Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bán doanh nghiệp thép lớn giá bằng... bát phở

Trước khi bị bắt và khởi tố vụ án, giám đốc một công ty thép đã kịp chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho một công ty khác với giá 40.000 đồng.

Trước khi bị bắt và khởi tố vụ án, giám đốc một công ty thép đã kịp chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho một công ty khác với giá 40.000 đồng.

Qua điều tra, công ty này còn nợ 6 ngân hàng và 1 cá nhân số tiền gần 400 tỉ đồng nhưng đã mất khả năng chi trả.



Phi vụ “nẫng tay trên”



Công ty TNHH Thép Minh Thanh (viết tắt là Công ty Minh Thanh) chuyên kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có mua bán sắt, thép, ống thép các loại. Từ tháng 12/2011 đến 11/4/2012, Phạm Hải Thanh làm Giám đốc, đồng thời là người đại diện theo pháp luật; Trương Hồng Thơ làm Phó giám đốc.



Thông qua thủ tục thay đổi về thành viên góp vốn, Phạm Hải Thanh sở hữu toàn bộ vốn góp của Công ty Minh Thanh là 80 tỉ đồng.

Theo Cơ quan điều tra, Trương Hồng Thơ tuy trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thể hiện có vốn góp 8 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 10%), nhưng thực chất Thơ chỉ là người đứng thay cho Phạm Hải Thanh chứ không góp đồng nào.


2 cán bộ chi nhánh DongABank quận 5 tiếp tay cho phi vụ lừa đảo này 

Tháng 3/2012, ông Thanh nhận thấy Công ty Minh Thanh không thể thanh toán hơn 350 tỉ đồng tiền vay tại nhiều ngân hàng nên đã làm thủ tục chuyển toàn bộ phần vốn góp cho Ngô Quốc Hùng và Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Trường Sa (Ngô Quốc Hùng là người đại diện theo pháp luật), với giá chuyển nhượng doanh nghiệp là 40.000.



Tuy nhiên, giữa Phạm Hải Thanh; Trương Hồng Thơ và Ngô Quốc Hùng đã lập các hợp đồng khác để xác định việc chuyển phần góp vốn tại Công ty Minh Thanh là 80 tỉ đồng. Trên cơ sở này, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM công nhận vào ngày 11/4/2012.

Hiện tại, Công ty Minh Thanh còn nợ các tổ chức ngân hàng và cá nhân gần 400 tỉ đồng. Trong đó, tiền vay tại các ngân hàng gần 305 tỉ đồng và tiền nợ mua hàng hơn 92 tỉ đồng.



Tại Cơ quan điều tra, ông Ngô Quốc Hùng, “chủ” mới của Công ty Minh Thanh cho biết, công ty không có khả năng để thanh toán số tiền trên nên đã tạm ngưng toàn bộ mọi hoạt động kinh doanh. Thời điểm tháng 12/2011, Phạm Hải Thanh, Trương Hồng Thơ vay 6 ngân hàng và 1 cá nhân lên đến hơn 337 tỉ đồng.

Nhận biết không có khả năng trả nợ, Phạm Hải Thanh và Trương Hồng Thơ đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong việc quản lý tài sản đảm bảo, đã thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), chi nhánh quận 5, TP HCM.



Theo Cơ quan điều tra Công an TP HCM, từ tháng 9-2010, Công ty Minh Thanh vay vốn tại DongABank bằng tài sản đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tiền vay bao gồm, bất động sản và động sản.



Ngày 1/10/2010, Công ty Minh Thanh đã cùng Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ VN24 ký hợp đồng bảo vệ kho hàng để quản lý tài sản thế chấp là sắt, thép cuộn nhập khẩu có từ mở thư tín dụng (viết tắt là L/C). Công ty Minh Thanh có trách nhiệm thông báo kế hoạch chuyển hàng thế chấp về kho chỉ định ít nhất là 2 ngày làm việc.

Căn cứ kế hoạch của Công ty Minh Thanh, DongAbank thông báo cho Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ VN24 bằng văn bản kế hoạch nhập kho hàng hóa thế chấp để tiếp nhận.



Công ty Minh Thanh thường xuyên giao dịch nên được Hội đồng tính xét duyệt chính sách tín dụng thông qua hạn mức vay tối đa 200 tỉ đồng. Hạn mức đảm bảo bằng hàng hóa tối đa 130 tỉ đồng.

Ngoài ra, Công ty Minh Thanh được tài trợ nhập khẩu và thanh toán tiền hàng trong nước thế chấp tối đa 70% trị giá lô hàng.

Đối với hàng thép nhập khẩu thế chấp, Công ty Minh Thanh được nhận bộ chứng từ để làm thủ tục hải quan và đưa hàng về kho chỉ định theo hợp đồng bảo vệ kho hàng.



Bốc hơi hàng ngàn tấn thép thế chấp



Ngày 16/12/2011, Phạm Hải Thanh cùng ThyssenKrupp Mannex Asia ký hợp đồng mua hơn 5,7 ngàn tấn thép cuộn cán nóng loại 2, có xuất xứ từ Brazil. Chỉ 6 ngày sau, ông Thanh đến DongABank lập Giấy đề nghị mở thư tín dụng (L/C) để nhập khẩu số sắt trên theo hợp đồng.



Ngay sau đó, DongABank đã chấp nhận mở L/C cho Công ty Minh Thanh để mua số thép theo hợp đồng với trị giá hơn 3,1 triệu USD, tương đương trên 65,7 tỉ đồng. Để có tiền thanh toán cho ThyssenKrupp Mannex Asia, DongABank đã cho Công ty Minh Thanh vay 70% trị giá hợp đồng sau khi có bộ chứng từ chuyển về với số tiền 46 tỉ đồng và tài sản đảm bảo bằng chính lô hàng nhập khẩu trên. Số tiền 30% còn lại, Công ty Minh Thanh tự thanh toán.



Trước khi bộ chứng từ chuyển về, ngày 21/3/2012, Phạm Hải Thanh gửi giấy đề nghị vay vốn. DongABank chấp thuận cho vay 46 tỉ đồng.



Để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng tín dụng này, cũng trong cùng ngày Trương Hồng Thơ, Phó giám đốc Công ty Minh Thanh ký tiếp hợp đồng thế chấp với DongABank.

Theo đó, lô hàng thép 5,7 ngàn tấn trên là tài sản đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tiền vay trên. Sau khi nhận 46 tỉ đồng tiền vay, cùng với số tiền 20% của Công ty Minh Thanh tự thanh toán, Phạm Hải Thanh thông qua DongABank thanh toán gần 2,9 triệu USD cho ThyssenKrupp Mannex Asia vào ngày 28/3/2011.



Kết quả điều tra xác định, trong thời gian hàng chưa về đến cảng, Phạm Hải Thanh nộp 10% giá trị lô hàng để DongABank mở thư tín dụng. Khi bộ chứng từ chưa chuyển đến DongABank, Thanh đã cùng Thơ nhanh tay bán hơn 3,9 ngàn tấn thép cho nhiều doanh nghiệp bằng phương thức nhận tiền trước, giao hàng sau với tổng số tiền trên 56 tỉ đồng.



Ngày 29/3/2012, tàu chở lô hàng thép thế chấp đến cảng TP HCM. Phạm Hải Thanh đã tiếp tục bán gần 1,5 ngàn tấn thép, trị giá hơn 20 tỉ đồng cho 2 doanh nghiệp. Hàng thép thế chấp nêu trên nhập cảng TP HCM, có trọng lượng thực tế là trên 5,7 ngàn tấn.



Sau khi DongABank giao bộ chứng từ cho Công ty Minh Thanh để làm thủ tục hải quan và chuyển hàng thế chấp từ cảng về kho chỉ định theo hợp đồng, Trương Quang Đông, nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp cùng Phan Xuân Hòa, nguyên nhân viên tín dụng đã bỏ mặc và không thực hiện giám sát, theo dõi tiến độ làm thủ tục hải quan, tiến độ vận chuyển từ cảng về kho.

Hai cán bộ DongABank không yêu cầu Công ty Minh Thanh gửi kế hoạch về theo ngày, giờ làm thủ tục hải quan, thời gian vận chuyển, để có thông báo bằng văn bản gửi đến Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ VN 24 về kế hoạch nhập kho hàng hóa thế chấp.



Lợi dụng việc thiếu trách nhiệm của cán bộ DongABank, Phạm Hải Thanh và Trương Hồng Thơ không vận chuyển hơn 5,4 ngàn tấn thép thế chấp về kho chỉ định để quản chấp theo hợp đồng trước đó. Tại cảng chỉ còn lại 0,3 ngàn tấn thép chưa chuyển về kho theo chỉ định.



Khi bị Cơ quan điều tra phát hiện, DongABank và Công ty Minh Thanh đã thỏa thuận cấn trừ nợ vay là hơn 4,5 tỉ đồng. Số tiền này được tính trừ vào số tiền Phạm Hải Thanh, Trương Hồng Thơ chiếm đoạt.

Theo văn bản của DongABank, thông qua thanh toán hợp đồng vay vốn, Công ty Minh Thanh có giao cho DongABank số tiền hơn 2,7 tỉ đồng. Số tiền này được tính trừ vào khoản tiền Phạm Hải Thanh và Trương Hồng Thơ chiếm đoạt để khắc phục hậu quả.



Hiện, số tiền trong phi vụ lừa đảo của ông giám đốc công ty thép này đối với DongABank vẫn còn trên 36 tỉ đồng chưa thu hồi được.



Vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã hoàn tất hồ sơ, chuyển Viện Kiểm sát cung cấp để truy tố Phạm Hải Thanh và Trương Hồng Thơ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đối với Phan Xuân Hòa và Trương Quang Đông là cán bộ của DongABank, Cơ quan điều tra cũng truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.



Theo Petrotimes

Nguồn:

Tin mới