Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bản đồ ‘7749’ loại gia vị các vùng miền trong món ăn Việt, độc lạ đố ai biết hết

Việc sử dụng gia vị đúng cách, đúng lúc và liều lượng sẽ góp phần làm tăng thêm hương vị đậm đà trong từng món ăn ở mỗi vùng miền.

Gia vị vốn là các nguyên liệu được tẩm ướp vào để tăng hương vị cho món ăn và xác định tính chất của món đó. Về mặt văn hóa, gia vị giúp ta thấy được sự khác biệt giữa các vùng miền, giữa nước này với nước khác. Cùng một món ăn tương đối giống nhau về nguyên liệu chế biến, nhưng điều làm nên món ăn nước này khác với nước kia, đó chính là gia vị. 

Gia vị ở nước ta chủ yếu là dùng tươi và có nhiều trong thiên nhiên, dễ tìm, tiện dụng nhưng không tồn trữ lâu được. Đầu bếp Việt Nam thường thích phối trộn gia vị theo phong cách riêng của họ, nhiều khi cả sự ngẫu hứng để cho ra hương vị mới và cũng là nét rất riêng. Ngoài các loại chung mà mỗi miền đều có như, tiêu, tỏi, hành, rau mùi, gừng, ớt, nước mắm, thì gia vị đặc trưng của các vùng miền như sau:

Vùng Tây Bắc

 

Tây Bắc là vùng đất của các dân tộc đồng bào thiểu số mang nét đặc trưng của người Thái, Mông… tạo nên một văn hóa ẩm thực vô cùng khác biệt mà không một nơi nào có được. Nếu ai đã từng đặt chân lên vùng đất này, sẽ được thưởng thức các món ăn với các gia vị nổi tiếng vùng Tây Bắc như: mắc khén, chẳm chéo kết hợp với các loại phổ biến hơn như tiêu, quế, ớt,... Tất cả tạo lên 1 màu sắc, 1 hương vị ẩm thực rất riêng.

Vùng Đông Bắc

 

Với quan điểm ăn uống kết hợp các loại rau, củ, quả sẵn có trong thiên nhiên, các món ăn nơi này đều mang đến cho thực khách cảm nhận chung là rất độc đáo và thú vị. Ở Đông Bắc, hạt dổi là loại gia vị đặc trưng, có mùi thơm vô cùng hấp dẫn và quyến rũ. Ngoài ra còn có lá mắc mật - một loại lá được dùng trong món thịt hầm hay thịt nướng. 

Vùng Đồng bằng Bắc Bộ

 

Đặc trưng trong nét ẩm thực vùng Đồng bằng Bắc Bộ là món ăn có vị vừa phải, thanh đạm, nhẹ nhàng điểm chút vị chua nhẹ cho những ngày hè nóng bức, không đậm vị cay, ngọt, béo. Các loại gia vị được sử dụng nhiều trong các món ăn miền Bắc là riềng, mẻ, chanh, dấm, sấu, tiêu, ớt, gừng, hành, tỏi, các loại rau húng,... Những nguyên liệu ưa thích của miền Bắc là các loại rau củ hay thủy sản dễ kiếm như tôm, cua, cá, trai, hến…

Vùng Bắc Trung Bộ

 

Đồ ăn Bắc Trung Bộ với tất cả tính chất đặc sắc của nó thể hiện qua hương vị riêng biệt, nhiều món ăn cay, chua và mặn hơn đồ ăn miền Bắc và miền Nam, màu sắc được phối trộn phong phú, rực rỡ, thiên về màu đỏ và nâu sậm. 

Cái riêng của văn hóa ẩm thực vùng này nổi bật ở phong cách gia vị rất khác lạ. Bạn có thể bắt gặp người dân kho thịt gà với một nắm hành tăm, vài cái lá chanh; hay món cá kho cho nghệ hay thậm chí vỏ quýt khô.

Vùng Tây Nguyên

 

Lối sống phóng khoáng, gần gũi với thiên nhiên nên ẩm thực của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên rất phong phú, đa dạng. Đặc biệt là cách kết hợp các nguyên liệu gia vị lại với nhau tạo nên những món ăn đặc trưng, ngon, lạ miệng không nơi nào có được.

Ngoài lá é vốn đã quá nổi tiếng trong món lẩu gà thì ớt là gia vị phổ biến nhất ở đây. Bất cứ món ăn nào của người Tây Nguyên, ớt cũng luôn có mặt, từ món nướng, món chiên, món xào đến món luộc, món canh. Ớt giúp món ăn trở nên ngon hơn, đậm vị hơn và... đưa cơm dễ hơn. 

Vùng Đông Nam Bộ

 

Ẩm thực Đông Nam Bộ rất đa dạng và phong phú, không cầu kỳ trong khâu bày trí nhưng vẫn rất hấp dẫn bởi sự tươi ngon, dồi dào của nguyên liệu chế biến và mang một nét rất riêng không pha lẫn. Các loại gia vị chủ yếu được nêm nếm trong món ăn thường ngày gồm có hành lá, nước mắm pha loãng, me chua và đường.

Miền Tây Nam Bộ

 

Món ăn của người vùng Đông Nam Bộ đơn giản, không cầu kỳ như chính con người nơi đây. Các món ăn đa dạng, biến hóa khôn lường với vị ngọt, cay, béo do sử dụng nước dừa. Các món ăn đặc trưng sử dụng ngọt nhiều: bánh (bánh in, bánh men, bánh ít, bánh bò…), chè (chè kiếm, chè chuối), xôi, nem nướng, cháo gà, gà rô ti… đều sử dụng nước dừa hay cốm dừa để tăng vị béo, vị ngọt.

Các món từ đặc sản đến bình dân, truyền thống hay hiện đại của người Việt không thể thiếu gia vị đi kèm. Nghệ thuật sử dụng gia vị còn tạo nét chấm phá ấn tượng trong văn hóa ẩm thực vùng miền. 

Rachel Phạm (Tổng hợp)

Tin mới