Học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 ở Hà Nội thuộc khu vực được đánh giá dịch cấp độ 1 và cấp độ 2 sẽ đến trường từ 8/2. Học sinh từ lớp 6 trở xuống duy trì việc học trực tuyến. Trẻ mầm non tiếp tục ở nhà. Thông tin trẻ đi học trực tiếp sau Tết Nguyên đán nhận được nhiều phụ huynh và giáo viên đồng tình.
Sẵn sàng cho con đi học
"Ngày 8/2, phụ huynh lớp 9A1 cho con đến trường học từ 7h", nhận tin nhắn từ cô giáo chủ nhiệm, chị Nguyễn Thị Hải (39 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) vui mừng. Chị và gia đình từ lâu chỉ mong các con mau được đi học, được gặp trực tiếp thầy cô, bạn bè, tránh các vấn đề về sức khỏe tâm thần và đảm bảo kiến thức. Chị phần nào yên tâm hơn vì con đã tiêm hai mũi vaccine COVID-19.
"Hơn 9 tháng ở nhà tránh dịch, chứng kiến con chuẩn bị thi vào lớp 10 trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch, tôi vô cùng lo lắng. Tôi lo chất lượng và điểm số không đủ để con đỗ vào trường THPT công lập như mong muốn", chị nói và hy vọng các trường không đóng cửa thêm lần nào nữa, các con yên tâm ôn tập, chạy nước rút cho kỳ thi.
Phụ huynh có sẵn sàng cho con đi học trực tiếp?
Biết thông tin Hà Nội mở cửa trường học sau Tết Nguyên đán, anh Trần Bảo Hoàng (40 tuổi, quận Hoàng Mai) có con gái lớp 8 chia sẻ: "Đây là niềm vui với con và cả nhà. Chúng tôi đã mong mỏi ngày này rất lâu rồi". Anh nhận thấy, việc các con ở nhà quá lâu không những ảnh hưởng đến kết quả học tập mà nặng hơn là tâm lý bất ổn. Các con cần đến trường để cuộc sống gia đình trở lại nhịp sống vốn có. Đặc biệt, khi đi học trực tiếp, các con sẽ có kiến thức tốt hơn, tránh ảnh hưởng đến kết quả, tâm lý học tập.
Từ đầu năm học, con gái anh phải học online cả sáng và chiều mọi, sáng thường từ 8h - 11h30, chiều 13h30 - 16h. Đến tối, con cũng phải làm bài tập trên máy tính. Đến cuối tuần, do không được đi chơi, con chỉ có thể giải trí ở nhà, chủ yếu là chơi game và xem phim. "Thời gian tiếp xúc với máy tính của con nhiều hơn cả tôi. Bố mẹ đi làm còn được giao tiếp xã hội, con học online hoàn toàn không có những thứ đó", anh nói.
Học sinh đi học trở lại. (Ảnh minh hoạ: Đ.H)
Anh và vợ nhiều lần tự hỏi "Nếu con nhiễm COVID-19 ở trường sẽ ra sao?", nhưng anh vẫn tin vào việc phòng dịch ở trường học. Hơn nữa, các nghiên cứu hiện nay đều cho thấy trẻ bị nhiễm COVID-19 thường nhẹ và nhanh khỏi. Vì thế, anh cũng như nhiều phụ huynh sẵn sàng để con đến trường, chấp nhận sống chung với dịch bệnh và rủi ro có thể mắc nCoV.
Anh cho rằng, dù không đến trường nhưng trẻ vẫn có nguy cơ bị lây bệnh từ bố mẹ (vẫn hằng ngày đi làm, tiếp xúc nhiều người) và bản thân trẻ vẫn đi gặp bạn bè hoặc đi cùng bố mẹ đi đây đi đó. Do đó, anh mong các vị phụ huynh bớt lo lắng khi con quay trở lại trường.
Trong khi đó, anh Lê Nguyên Chương (40 tuổi, Hoàn Kiếm) có phần lấn cấn khi các con chuẩn bị đến trường. Vị phụ huynh này lo lắng vì Hà Nội mỗi ngày vẫn ghi nhận gần 3.000 ca mắc mới COVID-19, F0 cộng đồng còn cao, nguy cơ các con bị nhiễm cũng rất cao. Mặt khác, giờ ra chơi các sẽ nô đùa, không chịu ở trong lớp nên việc lây nhiễm rất dễ.
"Không chỉ tôi, mà một số phụ huynh đang đề xuất cô giáo chủ nhiệm và nhà trường cho phép học online song song với trực tiếp. Nghĩa là gia đình nào sẵn sàng thì cho con đến trường, còn không thì con học online tại nhà như trước đây", anh Chương nói và cho biết, trong trường hợp bất khá kháng buộc phải đi học 100%, hy vọng nhà trường sẽ có kịch bản, kế hoạch phòng chống dịch cụ thể; hướng dẫn con thực hiện tốt 5K để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Giáo viên mong học sinh
Cô Bùi Lan Hương, giáo viên trường THCS Hai Bà Trưng hào hứng chuẩn bị lì xì cho học sinh trong ngày đầu trở lại trường sau Tết Nguyên đán. Cô ủng hộ phương án Hà Nội mở cửa trường học sau hơn 9 tháng đóng cửa.
"Trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lấy ý kiến của phụ huynh về việc cho con đi học trực tiếp sau Tết Nguyên đán. Kết quả, hơn 90% phụ huynh đồng ý, chỉ còn lại một số gia đình chưa đồng ý do lo ngại dịch bệnh căng thẳng", cô Hương nói. Bản thân cô cũng có chút lo lắng khi những ngày gần đầy F0 ở Hà Nội cao. Cô và nhà trường đang cố gắng đưa ra nhiều kịch bản xử lý để hạn chế tối đa sự tụ tập và nguy cơ lây nhiễm khi dạy học trực tiếp.
Học sinh đeo khẩu trang trong lớp học và đảm bảo giãn cách. (Ảnh minh hoạ: Đ.H)
Bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lương Thế Vinh cho biết, trường sẵn sàng mở cửa sau Tết Nguyên đán. Trường sẽ chia ca để giảm sự tập trung của học sinh, đồng thời khuyến khích phụ huynh tự đưa đón con, hạn chế đi phương tiện đưa đón của nhà trường. Trường làm vậy để đề phòng trường hợp nếu có F0 sẽ dễ khoanh vùng, nhanh chóng dập dịch để bảo vệ học sinh.
Theo cô Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), dù số ca bệnh tăng nhưng một số địa phương đã bắt đầu cho học sinh trở lại. "Giữ học sinh ở nhà có thể giúp các em an toàn. Nhưng đổi lại, các em phải đối diện với rất nhiều nguy cơ khác như sang chấn tâm lý, bị cản trở hòa hợp với thiên nhiên, cộng đồng, giao tiếp với xã hội và hổng, hụt về mặt kiến thức", cô nói và cho biết, nhà trường luôn trong trạng thái sẵn sàng đón học sinh trở lại.
Không phân biệt trẻ tiêm vaccine hay chưa
Để đảm bảo an toàn cho học sinh quay lại trường sau Tết Nguyên đán, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố đã chỉ đạo Sở GD&ĐT, Sở Y tế tổ chức diễn tập, đưa ra những kịch bản, tình huống khi có F0 tại các lớp, từ đó đưa ra phương án xử lý kịp thời nhất. Chỉ có F0 được cơ quan y tế đưa đi cách ly, còn F1 sẽ được cách ly tại nhà theo phương án chuẩn hiện nay.
Trước lo ngại của nhiều phụ huynh về việc học sinh chưa tiêm bị phân biệt đối xử khi đi học trực tiếp, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, sẽ không có sự phân biệt đối xử và đi học trực tiếp hay trực tuyến là tuỳ thuộc vào sự tự nguyện của phụ huynh học sinh. Các trường luôn đảm bảo học trực tiếp và trực tuyến.
Giám đốc Sở GD&ĐT cũng nhắn nhủ tới phụ huynh và học sinh: “Với cương vị là Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, chúng tôi rất muốn học sinh quay trở lại học trực tiếp. Chỉ có học trực tiếp thì khả năng truyền đạt và tương tác giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh là tốt nhất. Tôi mong rằng các em cùng thực hiện tốt khuyến cáo 5K. Mọi người hãy tin tưởng các ngành, các cấp luôn quan tâm tới học sinh, cố gắng dành những thứ tốt đẹp nhất cho các em”.
Đừng nghĩ ở nhà trẻ không bị bệnh
“Đi học không chết vì bệnh nhưng để trẻ ở nhà quá lâu lại gặp nguy hiểm vì tự kỷ, sức khoẻ, trí tuệ sa sút…”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo trẻ. Chuyên gia khuyên phụ huynh nên có cái nhìn thoáng hơn. Hầu hết đều lo trẻ đi học bị nhiễm bệnh. Hoặc nhiều người lo trẻ mang bệnh về nhà lây lan. Song thực tế việc này rất khó xảy ra vì người lớn hay trẻ nhỏ bây giờ đều đã được tiêm vaccine.
“Có cha mẹ lo con bị nhiễm bệnh mà không cho đi học, nhưng cũng có bộ phận rất mong con được sớm đến trường. Việc trẻ bị ảnh hưởng tới trí tuệ, sức khoẻ kéo dài còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Tiêm vaccine để cho trẻ đi học, vậy mà không cho đi thì tiêm để làm gì”, ông Nga đặt vấn đề.