Bột sắn dây là loại bột được làm từ củ sắn dây - bộ phận chứa nhiều giá trị dinh dưỡng của cây sắn. Qua nhiều giai sản xuất và chế biến kỳ công, người ta thu được phần tinh bột sắn màu trắng tinh, sờ vào cảm giác mịn. Thông thường loại bột sắn dây chất lượng cao phải là loại tinh khiết, không pha trộn bất kỳ phụ gia hoặc loại bột nào khác. Sử dụng loại tinh khiết thì mới đạt được hiệu quả tốt nhất cho cơ thể.
Công dụng của bột sắn dây
Theo y học hiện đại, sắn dây chứa 15% tinh bột (rễ tươi), chứa nhiều flavonoid (daidzin, puerarin, formononetin...), triterpenoid, succinic acid, allantoin...
Theo y học cổ truyền, tinh bột sắn dây vị ngọt, tính mát, vào được các kinh tỳ, vị và phế, công dụng tán nhiệt, tuyên độc, giải biểu, thấu chẩn, sinh tân dịch, chỉ tả, giải co giật, chỉ khát, giải độc rượu, thoái nhiệt, giải cơ và thăng đề vị khí; thường được dùng để chữa chứng biểu nhiệt, làm cho ra mồ hôi, tiêu độc, chữa đau vai gáy, viêm họng, nhức đầu…
Những sai lầm thường gặp khi sử dụng bột sắn dây
Pha sắn dây trực tiếp với nước lạnh để làm nước giải khát là cách làm phổ biến hiện nay. Tuy nhiên đây là thói quen hết sức sai lầm và có thể đem lại nhiều tác dụng tiêu cực cho sức khỏe. Hiện hầu hết loại mà chúng ta sử dụng hàng ngày đều được làm thủ công.
Vì thế trong quá trình chế biến sẽ không thể lọc hết các tạp chất có bên trong sắn dây dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn. Nếu trực tiếp pha với nước lạnh có thể gây nên hiện tượng đau bụng, tiêu chảy. Do đó, nên nấu chín khi ăn hoặc pha với nước nóng để không gây nên những tác dụng phụ đáng tiếc. Ngoài ra, sắn dây có tính hàn nên việc bạn sử dụng chúng với nước lạnh thường xuyên sẽ gây nên một số vấn đề về sức khỏe.
Thông tin đăng tải trên webiste Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, trên một số diễn đàn Internet có đề cập đến việc pha sắn dây kết hợp mật ong và ướp thêm hoa bưởi tuy nhiên bạn không nên sử dụng theo hai cách này. Theo như một số nghiên cứu khoa học thì kết hợp mật ong với sắn dây sẽ sinh ra một số chất có hại cho sức khỏe. Còn ướp hoa bưởi với nước sắn dây sẽ làm giảm đi dược liệu vốn có ban đầu của sắn dây.
Bột sắn dây là thực phẩm được yêu thích trong mùa hè
Vậy sử dụng bột sắn dây thế nào cho đúng?
Theo các chuyên gia, nên pha sắn dây với nước nóng để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Với dạng củ sắn dây thái phiến
Cách dùng: Sau khi phơi sấy khô, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày lấy 20-30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút là uống được, uống thay trà trong ngày. Khi uống có thể pha chút đường phèn tăng hương vị.
Tác dụng: Sinh tân, chỉ khát, giải biểu.
Với bột sắn dây
Cách dùng: Lấy 3 thìa cà phê bột sắn dây, thêm đường trắng hòa với nước lọc, quấy đều rồi uống, có thể thêm một chút nước cốt chanh.
Tác dụng: Giải biểu, tuyên độc, sinh tân, tán nhiệt.
Cháo sắn dây gạo tẻ
Thành phần: Bột sắn dây 30g, gạo tẻ 50g.
Cách thực hiện: Gạo ngâm nước một đêm, đem nấu cùng bột sắn thêm một chút đường để ăn.
Công dụng: Phù hợp cho tình trạng bệnh nhân sốt, mệt mỏi, kiết lỵ, ăn uống kém.
Nước rau má sắn dây
Thành phần: Rau má tươi 20-30g, bột sắn 20g.
Cách dùng: Rau má rửa sạch, giã nát thêm 100-200ml nước sôi, gạn lấy nước hòa với bột sắn uống, có thể thêm đường cho dễ uống.
Tác dụng: Dùng khi bệnh nhân sốt, mụn nhọt, kiết lỵ ra máu, nóng trong hay khát nước.
Nấu chè bột sắn dây
Thành phần: Bột sắn dây 3 thìa, nước 200ml, đường trắng 2 thìa.
Cách dùng: Cho nước, bột sắn dây, đường vào trong nồi, quấy đều cho đến khi bột sắn không còn vón cục. Đặt lên bếp đun nhỏ lửa, dùng thìa đũa quấy đều, đun đến khi bột sắn quánh lại, chuyển sang màu trắng trong thì tắt bếp.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng bột sắn dây:
Bài viết của BS Vũ Duy Thành đăng tải trên Báo Sức khỏe & Đời sống chỉ ra một số lưu ý khi sử dụng bột sắn dây:
Lựa chọn nguồn cung cấp sắn dây uy tín, đảm bảo chất lượng, tránh mua hàng giả.
Trẻ em, phụ nữ mang thai, cơ thể bị lạnh, mệt mỏi, người động thai, người có bụng yếu, tiêu chảy, chân tay lạnh không nên dùng.
Mỗi ngày chỉ nên uống 01 ly sắn dây, pha với lượng đường vừa phải.