Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bài thơ 'Bắt nạt' trong sách Ngữ văn lớp 6 bị chê ngây ngô

Bài thơ "Bắt nạt" trong sách Ngữ văn lớp 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống gây tranh cãi dư luận bởi sự ngây ngô của từ ngữ, gieo vần, tính nghệ thuật không cao.

Những ngày qua, dư luận lại tranh cãi về bài thơ Bắt nạt của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh trong sách Ngữ văn lớp 6 tập 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam). 

Cụ thể, bài thơ gồm 8 khổ, mỗi khổ 4 dòng, nội dung xuyên suốt nói về những mặt tiêu cực, không tốt của việc đi bắt nạt người khác và khuyên các em học sinh không nên bắt nạt các bạn yếu thế hơn mình.

Một số ý kiến cho rằng bài thơ có ngôn từ dễ hiểu, mang tính giáo dục khi đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm trong đời sống học đường là bắt nạt, bạo lực. Tuy nhiên, nhiều người đánh giá tính nghệ thuật của bài thơ không cao, tính giáo dục không rõ ràng, không phù hợp để đưa vào sách giáo khoa cho học sinh học.

Cũng có người nhận định: bài thơ đưa ra chủ đề hay nhưng cách thể hiện chưa sắc nét, những hình ảnh, câu từ cũng khá ngô nghê, "vô tri", chỉ thực sự phù hợp với các lớp nhỏ.

Đặc biệt, khổ thơ thứ 3: "Sao không ăn mù tạt/Đối diện thử thách đi?/Thử kẻ yếu làm gì/Sao không trêu mù tạt?" được cho là khó hiểu. Việc sử dụng hình ảnh ẩn dụ 'mù tạt' - một loại gia vị cay nồng, khó ăn, nhằm liên tưởng đến hành vi bắt nạt trong cuộc sống là không hợp lý.

Bài thơ "Bắt nạt" trong sách Ngữ văn lớp 6 (tập 1) của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh tiếp tục vấp phải ý kiến trái chiều từ các phụ huynh

Trao đổi với VOV2, chuyên gia giáo dục, thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương nói, điều khiến bài thơ "Bắt nạt" gây tranh cãi không phải vì chi tiết "mù tạt" hay chủ đề "bắt nạt" nhạy cảm mà vấn đề đây là bài thơ kém duyên, thậm chí không hay cả về mặt nội dung tư tưởng lẫn nghệ thuật.

"Bài thơ tầm thường ở cả mặt tư tưởng lẫn nghệ thuật. Tác giả diễn đạt hơi vụng, đặc biệt ở khổ thơ cuối. Mọi người quan niệm sách giáo khoa phải chuẩn mực, ngữ liệu đưa vào sách thực sự phải chắt lọc. Với một bài thơ có tính nghệ thuật thấp như "Bắt nạt" không phù hợp được sử dụng làm ngữ liệu trong sách giáo khoa", anh Nguyễn Quốc Vương nói.

Cũng theo thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương, "Bắt nạt" là đề tài khó. Nếu người viết không tinh tế, sâu sắc sẽ khó thuyết phục được bạn đọc, chưa nói đến việc thuyết phục học sinh, phụ huynh, giáo viên... khi đưa nó làm ngữ liệu trong sách.

Cũng trao đổi với VOV2, một tác giả tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông và viết sách giáo khoa cho rằng, việc đưa bài thơ "Bắt nạt" làm ngữ liệu trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 là chưa thực sự phù hợp.

Vị chuyên gia này nêu quan điểm, ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn phải đáp ứng được nhiều tiêu chí như đáp ứng mục tiêu chương trình, mục tiêu bài học, ngôn ngữ trong sáng, có tính giáo dục, tính nghệ thuật, tác giả-tác phẩm đại diện thành tựu văn học của một giai đoạn nhất định.

Áp với các tiêu chí này, vị chuyên gia này khẳng định, bài thơ "Bắt nạt" chưa đáp ứng được yêu cầu và chỉ phù hợp làm ngữ liệu trong chương trình tiểu học.

Trước đó, năm 2021 khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới lớp 6, bài thơ "Bắt nạt" cũng nhận được nhiều lời khen chê.

Nguyễn Thế Hoàng Linh (sinh năm 1982), tác giả bài thơ "Bắt nạt" là nhà thơ có nhiều bài thơ được nhiều người nhớ đến và được nhiều bạn trẻ yêu thích. Anh đã có 7 tập thơ và khoảng 10.000 sáng tác thơ, truyện ngắn, tranh, ảnh, tản văn, bình luận, chơi chữ… trên internet.

Bài thơ "Bắt nạt" được trích từ tập thơ "Ra vườn nhặt nắng" của Nguyễn Thế Hoàng Linh (Nhà Xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2017, trang 24-25).

Bá Duy (VOV2)

Tin mới