Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bài học cay đắng của người đàn ông mất 8 tỷ đồng vì mê muội 'ôm' lan đột biến

(VTC News) -

Muốn đổi đời, làm giàu từ việc đầu tư lan đột biến, anh Đặng Văn Cường gần như mất hết số tiền hơn 8 tỷ đồng đi vay mượn, cầm cố tài sản.

Nhiều ngày nay, khi thị trường lan đột biến “nóng” trở lại, các giao dịch từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng xuất hiện thì trên hội nhóm, nhiều người lại tiếp tục rủ nhau làm giàu bằng cách đổ tiền vào lan.

Tuy nhiên, quan sát những diễn biến này của thị trường, anh Đặng Văn Cường (Uông Bí, Quảng Ninh) lại cảm thấy rùng mình, ớn lạnh khi nhớ về quãng thời gian anh đánh liều đi vay tiền để hùn hơn 7 tỷ đồng mua góp một cây lan đột biến trị giá 70 tỷ đồng.

Thị trường lan đột biến lại nóng lên dù trước đó đã khiến nhiều người khuynh gia bại sản. (Ảnh: NVCC)

Kể lại câu chuyện này với PV VTC News, anh Cường cho biết, lan đột biến từng được ví như “vàng xanh" trong giới chơi cây, thậm chí còn quý hơn cả vàng bởi người đầu tư lan đột biến có thể kiếm được tiền tỷ chỉ sau dăm bữa, nửa tháng. “Quan trọng là phải đầu tư lớn và bạo tay", anh Cường nói.

Tuy chỉ là “tay ngang" trong làng lan đột biến nhưng vì ôm giấc mộng làm giàu, muốn đổi đời dựa vào "canh bạc" này nên khi ấy anh Cường tìm cách chơi lớn.

Sau một thời gian tìm hiểu và đầu tư, khoảng giữa năm 2020, anh Cường nhanh chóng kiếm được hàng trăm triệu đồng nhờ đầu tư vào lan đột biến. Điều này khiến niềm tin vào loại hoa này của anh Cường càng mãnh liệt.

Được truyền tai bởi nhiều người, anh Cường biết đến một vườn lan lớn ở Bình Phước, diện tích rộng hàng nghìn m2 và có mối làm ăn với hầu hết các vùng miền trong cả nước. 

“Tôi đã cất công vào tận nơi để mục sở thị khu vườn này. Tôi cũng trực tiếp thấy nhiều người đã đầu tư vào lan đột biến ở đây và kiếm tiền tỷ dễ như trở bàn tay. Ngoài ra, tôi nhận thấy uy tín mà nhà vườn tạo dựng là quá lớn nên tin rằng họ không thể nào vì vài tỷ của mình mà phá bỏ uy tín đã tạo dựng bao lâu được", anh Cường kể lại.

Chính vì thế, người đàn ông 38 tuổi này quyết định góp 7 tỷ đồng để mua chung một cây lan đột biến mang tên “5 cánh trắng Đại Cát", lúc bấy giờ có giá 70 tỷ đồng.

“Không có bên thứ ba nào định giá, chỉ có nhà vườn tự đưa ra mức giá đó. Lúc bấy giờ tôi mua cây chung với nhiều người khác mà tôi không hề biết mặt và cũng không hề biết họ góp mua cây với bao nhiêu tiền. Mọi giao dịch chỉ qua tin nhắn, điện thoại và chuyển khoản, không có giấy tờ gì. Đến bây giờ tôi cũng không thể nào hiểu nổi sao có thể mê muội tin vào những cái không có thật như thế", anh Cường kể lại hành động đầu tư liều lĩnh của mình khi đó.

Rất nhiều người từng sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng để mua lan đột biến. (Ảnh: NVCC)

“Nhà vườn khi đó có rất nhiều phân khúc sản phẩm để khách xuống tiền, tầm tiền nào cũng có, từ vài tỷ cho đến vài chục tỷ. Khi tôi vào thăm, nhà vườn rất nhiệt tình mời tham quan vườn, giữ lại ăn cơm để đàm đạo những câu chuyện đầu tư vào lan. Càng nghe họ nói, tôi càng tin tưởng, say sưa và đánh liều chơi lớn. Tôi đã phải cầm cố tài sản, vay mượn, nợ lãi ngoài để thực hiện giấc mộng làm giàu đó", anh Cường cho biết.

Sau khi đã “vào tiền” thành công, anh Cường vẫn tiếp tục tìm cách mua thêm những cây lan giá trị nhỏ hơn.

Cụ thể, anh Cường mua mầm lan “mắt ngủ 5 cánh trắng Vô Thường” cũng của nhà vườn này với số tiền 1 tỷ đồng. Như vậy, anh đã chuyển cho chủ vườn lan ở Bình Phước tổng cộng 8 tỷ đồng.

2 tháng sau, khi lan đột biến vẫn còn sốt giá nhưng do không thể gồng gánh được tiền lãi do vay mượn, anh Cường xin rút cổ phần và được chủ vườn đồng ý cho rút vốn không có lãi. Đồng thời họ bày rtỏ muốn mua lại kie lan Vô Thường của anh Cường với giá 1,6 tỷ đồng.

“Mắt ngủ Vô Thường tôi mua với giá 1 tỷ đồng khi ấy đã lên kie, giá thị trường khoảng 2 tỷ đồng nhưng tôi đồng ý để lại cho họ với giá 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, số cổ phần 1/10 cây Đại Cát là 7 tỷ đồng lúc đó nếu bán đã có lãi nhưng tôi chỉ nhận đủ gốc, không cần đồng lãi nào. Tổng là 8,6 tỷ đồng. Vợ chồng họ hẹn 1 tuần sau chuyển tiền nhưng sau đó mất tăm”, anh Cường kể lại.

Mầm lan anh Cường mua với giá 1 tỷ đồng ngày đó. (Ảnh: NVCC)

“Tôi bay ra bay vào Bình Phước không biết bao nhiêu lần. Đến tận tháng 4/2023 họ mới chịu trả 2 tỷ đồng cho tôi, số còn lại là 6,6 tỷ đồng thì họ quỵt luôn, không làm sao đòi được. Tôi cũng không thể nhờ pháp luật can thiệp vì tất cả chỉ là giao dịch tự phát”, anh Cường mệt mỏi nói.

Anh Cường càng khốn khổ hơn khi thị trường lan đột biến lao dốc, số lan trong vườn nhà anh Cường có giá trị hàng chục tỷ đồng giờ không được ai mua. Những chậu lan quý hơn vàng bị anh Cường bỏ xó, không chăm sóc vì không "đẻ" ra tiền được nữa. Không ít mầm cây nằm chết khô trên giá.

Thời gian gần đây, thấy thị trường lại tiếp tục nóng lên với những giao dịch lan tiền tỷ, anh Cường đã không còn đắm đuối như trước nữa.

"Bài học của tôi đã quá cay đắng vì đến giờ tôi vẫn chưa trả hết nợ. Ngoài tôi ra, chắc chắn còn rất nhiều người từng mang tiền đầu tư vào lan đột biến trước kia cũng mất trắng tài sản.

Vì thế, những ai không am hiểu về thị trường thì tốt nhất không nên ôm mộng làm giàu, liều lĩnh xuống tiền đầu tư vào lan đột biến. Cố gắng không bị mê hoặc bởi những "miếng bánh vẽ" hư ảo mà các nhà vườn, giới cò mồi dựng lên. Phải nhớ rằng, nếu dễ dàng làm giàu thế thì họ đã không mời chào nhiệt tình như vậy. Tất cả chỉ là cái bẫy mà thôi, ai ham làm giàu chóng vánh sẽ bị sập bẫy nếu không cảnh giác", anh Cường khuyến cáo.

Công Hiếu

Tin mới