Video: Khai quật khẩn cấp bãi cọc vừa được phát lộ nghi liên quan trận đánh Bạch Đằng năm 1288
Sáng 20/2, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu phối hợp cơ quan chức năng tại TP Hải Phòng khai quật khẩn cấp bãi cọc vừa được phát lộ tại ao nhà ông Đoàn Văn Đến ở khu vực Đầm Thượng (thôn 11, xã Lại Xuân, Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Trong ngày đầu khai quật, thông tin với PV VTC News, TS Lê Thị Liên, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu dưới nước (Viện Khảo cổ học) cho biết, qua khảo cổ học, qua sử liệu cũng như sơ bộ về địa hình, các nhà khoa học cho rằng, khu vực này nằm trong phạm vi chiến trường rộng lớn của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, cụ thể nhất là năm 1288.
Bởi lẽ, sử liệu nhắc đến những trận đánh ở Trúc Động, cả việc đoàn thủy quân Nguyên khi rút về bị đánh liên tiếp từ Kiếp Bạc cho đến Trúc Động trong nhiều ngày.
TS Lê Thị Liên, Trưởng Phòng nghiên cứu dưới nước (Viện Khảo cổ học).
“Những cuộc tấn công ấy diễn ra ở những đâu, diễn ra như thế nào, chúng tôi hy vọng, kết quả cuộc khai quật tại bãi cọc Đầm Thượng sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi đó. Chúng ta chưa nói chắc chắn được khi chưa đủ dữ liệu”, TS Lê Thị Liên nhấn mạnh.
Cũng theo TS Lê Thị Liên, có ý kiến, quan điểm nhận định nhưng chưa chính thức về việc, bãi cọc Đầm Thượng có thể liên quan đến trận đánh của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938. Tuy nhiên, điều này cần phải nhìn nhận theo nhiều góc độ khác nữa.
Như việc địa hình cổ nơi đây có phải cửa biển không, các dấu tích về mặt niên đại, cách thức đóng và bố trí cọc có gì khác. Bởi vậy, thời điểm này, chưa thể đưa kết luận vội vàng về nguồn gốc của bãi cọc.
Sáng 20/2, bãi cọc vừa được phát lộ tại khu vực Đầm Thượng được khai quật khẩn cấp để nghiên cứu và có kế hoạch bảo quản.
Bản thân TS Lê Thị Liên không nhớ chính xác khi nào được báo tin về việc phát hiện bãi cọc Đầm Thượng. Tuy nhiên, trước khi nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, đoàn đi khảo sát và biết được sự hiện diện của bãi cọc ở đây.
Sau Tết, TS Liên nhận tin báo, khi tát ao bơm bước, gia đình ông Đến phát hiện nhiều cọc gỗ tại ao nhà mình. Một số nhà khoa học cũng tới đây khảo sát. Đây là cơ sở để các nhà khoa học khai quật “chữa cháy” lần này.
“Trên Google Map chúng tôi đặt vị trí nhà anh Đến cùng một vài nhà khác ở đây cũng như phạm vi chúng tôi nghiên cứu, khảo sát.
Tại sao chúng ta phải khai quật “chữa cháy” vì, khi các cọc gỗ lộ ra, nếu bà con tiếp tục làm ao cá sẽ ảnh hưởng tới cọc. Bên cạnh đó, cọc gỗ để lộ lâu không tốt. Chính vì thế chúng tôi khai quật “chữa cháy” cấp tốc sau khi có chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng để nhanh chóng hiểu giá trị các cọc gỗ này và có biện pháp bảo vệ.
Trước mắt, các nhà khoa học làm sạch bề mặt ao, xác định những cọc đã lộ ra. Sau đó, chúng tôi sẽ kiểm tra một số cọc để nghiên cứu cách đóng, cách bố trí cọc. Đồng thời khảo sát rộng hơn, thu lại tất cả thông tin của người dân xung quanh đây để biết phạm vi phát hiện cọc”, TS Lê Thị Liên chỉ rõ.
Hiện, 13 cọc gỗ được phát hiện tại Đầm Thượng được bọc nilon bảo quản cẩn thận.
Bên cạnh đó, TS Lê Thị Liên cho hay, Viện Khảo cổ sẽ phối hợp các ngành khác như lịch sử, địa chất, địa hình, địa mạo... để hiểu thêm về địa hình cổ ở đây; phân tích mẫu để xác định cọc gỗ nằm trong khoảng thời gian nào. Việc phân tích mẫu là công cụ hỗ trợ bên cạnh nghiên cứu cụ thể, so sánh với những bãi cọc đã phát hiện để xác định quá trình hình thành bãi cọc.
Hơn nữa, môi trường hiện nay của bãi cọc tương đối thuận lợi khi bãi cọc nằm sẵn trong ao cá. Thời gian tới, nếu duy trì được môi trường như hiện tại sẽ rất thuận lợi cho việc bảo quản vì “môi trường của chính bãi cọc sẽ giúp được chính bãi cọc”.