Chia sẻ với VTC News, Trang Phương Trinh (SN 1990, quê TP.HCM) - nữ bác sĩ Việt hiện đang làm việc tại khoa Nhi, Bệnh viện New York Presbyterian (New York) - cho biết cô đang sống trong những ngày nhiều cảm xúc không viết thành lời.
Sang Mỹ sinh sống và làm việc được 12 năm, chuyển đến New York làm bác sĩ nội trú được 3 năm, chưa bao giờ Phương Trinh chứng kiến sự khủng hoảng, hỗn loạn ở thành phố này như hiện nay.
“New York là thành phố không ngủ và trong lịch sử chưa bao giờ phải “shut down” (dừng hoạt động - PV) toàn thành phố như thế này cả”, cô nói. Thời điểm này, New York hiện có 59.513 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 965 người đã thiệt mạng. Đây là thành phố có số người nhiễm virus lớn nhất nước Mỹ.
“Dù đã bắt đầu chống dịch từ khi thành phố xuất hiện ca đầu tiên, nhưng vấn đề là khi xét nghiệm ra những ca bệnh này thì khắp cộng đồng đã bị lây lan nên bây giờ phải chạy theo đuổi dịch, chứ không đi trước được nữa”, nữ bác sĩ chia sẻ.
Bác sĩ Trang Phương Trinh hiện đang làm việc tại New York, Mỹ. (Ảnh: NVCC)
Các y, bác sĩ thay đổi giờ làm việc liên tục. Trước đây, trung bình một tháng làm 80 tiếng/tuần; nhưng giờ đây mỗi ngày phải làm 12-13 tiếng, có ngày tăng cường làm đủ 24 tiếng.
Họ dường như rơi vào cuộc khủng hoảng khi đồ bảo hộ khan hiếm. Trinh và đồng nghiệp buộc phải sử dụng lại khẩu trang y tế - điều bị cho là cấm kỵ - đeo cho tới khi bẩn hay ướt đi mới được thay. Mặt nạ chắn được khử trùng bằng miếng sát khuẩn. Hiện tại, các y, bác sĩ đều dùng khẩu trang N95 rồi đeo khẩu trang thường bên ngoài để kéo dài thời gian sử dụng.
Trong những ngày căng thẳng ấy, các y, bác sĩ chỉ biết động viên nhau giữ sức khoẻ để vượt qua giai đoạn này. Nhiều khoa của bệnh viện phải nhường chỗ cho các bệnh nhân Covid-19 chữa trị - điều này có nghĩa là bệnh nhân của họ phải chuyển sang một nơi khác.
“Hôm qua, khi chuyển hết bệnh nhân nhi qua bệnh viện khác để dành chỗ cho bệnh nhân Covid-19, tất cả y bác sĩ và y tá đều khóc. Nhưng ai cũng biết lúc này bệnh nhân Covid-19 cần được ưu tiên chữa trị hơn”, Trinh tâm sự.
Mặt khác, khi mỗi ngày đều chứng kiến nhiều đau thương, mất mát do virus corona gây ra, những bác sĩ như Trinh luôn sống trong nỗi sợ trở thành nguồn lây nhiễm.
Trinh kể, có người bạn phải xuống ở tầng hầm, ngủ giường riêng, có người thuê khách sạn ở; ai có con phải gửi về ở với ông bà và tuyệt đối không dám gặp. Bản thân vợ chồng cô cùng là bác sĩ nên không có đường nào thoát và cứ mặc định ai bị trước cũng sẽ lây cho người kia. Đại dịch khiến nhiều người lo lắng về tương lai. Thậm chí, nhiều bác sĩ hối hả lập di chúc, đặc biệt những ai đã có con.
Phương Trinh cùng đồng nghiệp của mình. (Ảnh: NVCC)
Cũng chính trong những ngày New York trở thành tâm bão, Trinh cảm nhận được tinh thần tương thân tương ái của những người đồng nghiệp. Tại lớp nội trú sinh của cô, những người khoẻ mạnh sẵn sàng xung phong lên tuyến đầu chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19, để bảo đảm những bạn đồng nghiệp đang mang thai hay có bệnh lý nền được làm việc nhẹ hơn.
So sánh về sự khác biệt trong “cuộc chiến chống Covid-19” từ góc nhìn của người dân và bác sĩ, Trinh cho cho hay: “Người dân ở đây khó có thể hình dung những gì xảy ra trong bệnh viện mỗi ngày qua đi. Luật bảo hộ bệnh nhân ở Mỹ không cho chụp ảnh hay phỏng vấn họ. Người ở nhà thì chỉ thấy bất tiện còn người trong bệnh viện do thấy hết được số người chết và bệnh nặng nên tâm thế, cảm nhận sẽ rất khác”.
Chỉ trong 1 tháng, thành phố New York đã thay đổi nhanh đến chóng mặt. Từ một thành phố không ngủ với những hoạt động nhộn nhịp, giờ đây đường phố vắng vẻ, phần lớn người dân tuân thủ quy định ở nhà để phòng dịch. Các bác sĩ ngày ngày đi làm như ra chiến trường, cùng chung một tâm trạng nỗi niềm, lo lắng và bất lực.
Dù vậy, nhưng với các y bác sĩ như Trinh lại cảm thấy được an ủi, động viên hơn bao giờ hết khi cứ tới 19h lại được nghe những tiếng vỗ tay của người dân cảm ơn và cổ vũ đội ngũ y tế trong bệnh viện.
“Cuộc chiến này còn kéo dài bao lâu nữa thì không ai biết được, nhưng Covid-19 sẽ qua đi, và thành phố New York sẽ trở lại như xưa, vì ở đây có những con người luôn hết mình vì nó và luôn có một niềm tin bất diệt vào thành phố không bao giờ ngủ”, Phương Trinh chia sẻ.