Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bác sĩ Việt kể chuyện từ 'điểm nóng' dịch COVID-19 Phnôm Pênh

(VTC News) -

Từ "điểm nóng" dịch COVID-19 ở Phnôm Pênh (Campuchia), TS. BS Tôn Thanh Trà kể về những thời điểm căng thẳng, khó khăn trong việc điều trị bệnh nhân.

Từ Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia), TS. BS Tôn Thanh Trà, Tổng Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Phnôm Pênh (CRPP) đã có những chia sẻ về tình hình dịch bệnh tại đây.

Bác sĩ kiêm đủ thứ

TS. BS Tôn Thanh Trà cho biết, các chuyên gia Việt Nam đã rút về trước đó, chỉ còn mình ông và 1 bác sĩ khoa Hô hấp làm chuyên gia ở đây. Hai người cùng với đội ngũ nhân viên y tế hạn chế nhưng mọi thứ tương đối ổn cho đến khi COVID-19 ập tới.

Khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Phnôm Pênh, bệnh viện cùng với các trường học và bệnh viện dã chiến khác được chọn làm nơi tiếp nhận bệnh nhân.

TS.BS Tôn Thanh Trà. 

BS Trà kể, lúc đầu, bệnh viện tiếp nhận các bệnh nhân thường nên chỉ dành 1 khu có 30 giường cho người bị COVID-19.  Từ 20/2 đến nay, dịch lan dần ra ngoài cộng đồng, càng ngày bệnh nhân nặng tăng lên quá nhiều, Bệnh viện CRPP bắt đầu khó khăn.  

Và tình hình căng thẳng thực sự khi số lượng bệnh nhân COVID-19 ngày càng tăng lên, hệ thống y tế quá tải khi Thủ tướng Chính phủ Campuchia quyết định phong tỏa thủ đô Phnom Pênh và các tỉnh khác giáp Phnom Pênh.

“Bệnh nhân đến bệnh viện toàn là nặng, điều trị rất vất vả trong khi thiếu chuyên gia, thành ra mình vừa làm công tác quản lý vừa làm chuyên môn, làm thủ tục, đi thăm khám, điều trị, kiêm luôn “làm lính”…  Xắn tay áo lên mà làm thôi”, BS Trà nói.

BS Trà nhớ lại, ngày 17/4 có người vào Bệnh viện CRPP khám. Ban đầu, bệnh nhân này chưa có kết quả. Sau khi xác định người này nhiễm COVID-19, ngay lập tức 4 điều dưỡng của bộ phận tiếp nhận phải cách ly. 15 nhân viên khác sau đó cũng phải áp dụng biện pháp tương tự trong khi bệnh nhân nhập viện mỗi lúc một tăng.

“Trong bối cảnh này vất vả thật, phải lo an toàn cho bệnh viện, cho nhân viên y tế và cả bệnh nhân nữa. Thủ đô Phnôm Pênh bị phong tỏa, tâm lý nhân viên y tế và cả bệnh nhân khá căng thẳng. Một số anh em còn không về nhà được vì khu vực ở bị phong tỏa nên ở luôn trong bệnh viện.

Nếu mình không xông xáo, chịu khó “xung trận” thì anh em sẽ nhụt chí. Chính vì vậy mình phải làm. Nhân viên y tế cũng làm bất việc gì có thể”, BS Trà chia sẻ.

BS Trà thăm khám cho bệnh nhân. 

Có người Việt, họ mới yên tâm

BS Trà cho hay, người dân bên này có tâm lý rất thích bác sĩ Việt Nam. Bệnh nặng hay nhẹ chưa cần biết, chỉ biết được bác sĩ Việt Nam thăm khám là họ yên tâm.

“Vì tin tưởng mình như vậy nên những ca bị bệnh nặng, họ đau đớn tìm đến mình với hy vọng cuối cùng. Mình tiếp nhận, không thương sao đặng?... Khó khăn nhưng anh em đoàn kết, cùng nhau cố gắng để cho người ta thấy có người Việt Nam, họ yên tâm”, BS Trà nói.

Theo vị bác sĩ, đối với người Khmer, mỗi lần bệnh nhân nhập viện là cả gia đình vào theo, đó là thói quen của họ nhưng lại gây ra khó khăn thêm nhiều cho việc điều trị và phòng dịch.

“Họ còn thích đem thức ăn vào chứ không chịu dùng thức ăn của bệnh viện, thậm chí còn lén mang bếp vào nấu ăn. Chính vì điều này mà ở mỗi khoa của CRPP đều phải tìm cách bố trí phòng ăn cho thân nhân. Nếu không có, người ta ăn luôn trong phòng bệnh,... Nếp văn hóa đó vô hình chung mang đến rất nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo COVID-19 ”, BS Trà cho biết.

Bác sĩ Bệnh viện CRPP khám cho bệnh nhân. 

Vấn đề nữa, theo ông, chính sách phòng dịch của Campuchia cho phép người nghi nhiễm sau khi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 xong là được về nhà. 3 ngày sau nếu không có thông tin gì của nhà chức trách coi như họ bình thường. Trường hợp nào dương tính mới được thông báo và đưa đi điều trị tập trung.

Trong 3 ngày chờ đợi ấy, nhiều người nghi nhiễm đã di chuyển đến rất nhiều nơi, kể cả các cơ sở y tế. Sự xuất hiện của họ dù thoáng chốc cũng đã khiến cho nhiều bệnh viện buộc phải cách ly nhân viên y tế của mình. Chính điều này, khó khăn lại tăng lên gấp bội. 

Để giảm nguy cơ, Bệnh viện phải tổ chức 1 khu cách ly riêng, để nhân viên y tế trong đó mỗi người 1 phòng. Giải pháp nữa là tăng cường phân loại bệnh nhân và trang bị bảo hộ cá nhân cho nhân viên y tế một cách tối đa. Bệnh viện còn mua thêm 2 máy phun thuốc khử khuẩn công nghiệp để khử khuẩn hàng tuần. 

"Tuy dịch bệnh nghiêm trọng, song hoạt động của bệnh viện thời gian qua khá là tốt. Toàn thể bệnh viện cố gắng và uy tín ngày càng nâng lên với người dân Phnôm Pênh. Đó là niềm an ủi nơi "điểm nóng" dịch bệnh", ông Trà nói.   

MAI THÚY

Tin mới