Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bác sĩ nhi Cuba: Việt Nam là sứ mệnh cao đẹp nhất tôi đã hoàn thành

(VTC News) -

Cơ duyên đưa bác sĩ Annet đến với Việt Nam bắt đầu từ 4 năm trước, và giờ Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng trong "hành trình trưởng thành" của bà.

“Tôi từng lo lắng khi đến Việt Nam, lo các em nhỏ không thích mình. Nhưng vào một buổi chiều ở Quảng Bình, khi tôi đang đi dạo trên bãi biển, một cậu bé xinh đẹp đã đến gần và hỏi bằng tiếng Anh rằng tôi từ đâu đến. Tôi nói mình đến từ Cuba. Cậu bé vui mừng ôm lấy tôi và nói Cuba là đất nước yêu thích của em. Lúc đó tôi vừa thở phào, vừa cảm thấy xúc động”.

Đó là những gì bác sĩ người Cuba Annet Ramos tâm sự với chúng tôi, ở thời điểm bước sang năm thứ 4 bà làm việc tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba (Đồng Hới, Quảng Bình). Hoàn thành xây dựng năm 1974, dựa trên quyết định của Chủ tịch Fidel Castro, bệnh viện đã trở thành một trong những biểu tượng của mối quan hệ hai nước.

(Ảnh: VOV, VTC News)

Mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cuba đã trải qua chặng đường lịch sử hơn 60 năm với tình cảm đặc biệt, sâu nặng nghĩa tình, vẹn toàn tinh thần cách mạng. VTC News xin gửi tới độc giả tuyến bài kể về những con người vẫn đang nhiệt huyết thắp lửa cho tinh thần đoàn kết trường tồn Việt Nam - Cuba, về cách người dân hai nước đã và đang đồng hành, cùng nhau vun đắp tình hữu nghị đặc biệt và khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

 

Bảy giờ rưỡi sáng, trong cái nóng 35 - 40 độ C của miền Trung, các y bác sĩ của khoa nhi, bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Quảng Bình họp giao ban với sự tham gia của bác sĩ Annet Ramos. Trong căn phòng khoảng 20 m2, nội dung họp xoay quanh các ca bệnh đặc biệt hoặc đáng chú ý, sau đó được tóm tắt và dịch sang tiếng Anh để gửi cho bác sĩ Annet. Nữ bác sĩ người Cuba có khoảng 30 phút thảo luận bệnh án với đồng nghiệp, trao đổi cụ thể phương pháp điều trị cho các ca bệnh nhi.

Với bà Annet, hệ thống y tế ở Việt Nam khác hoàn toàn với hệ thống y tế Cuba. “Có những cái tôi thấy thích ở hệ thống y tế Việt Nam hơn”, bác sĩ Annet chia sẻ với VTC News. “Ở Cuba, là một chuyên gia nhi, chuyên gia truyền nhiễm thì chỉ được làm việc ở khía cạnh truyền nhiễm thôi, nhưng ở Việt Nam nếu chăm sóc một bệnh nhi, bạn phải xem xét tất cả các khía cạnh từ truyền nhiễm đến những mặt khác. Nhờ đó giúp tôi hoàn thiện hơn về bản thân, hoàn thiện hơn để làm một bác sĩ”.

 

Bà Annet đang phải chăm sóc khá nhiều bé nhập viện trong thời gian này. Bé Nguyễn Khiến An, hơn 5 tuổi, đã nằm ở bệnh viện ngày thứ 6 do sốt xuất huyết. Trên chiếc giường nhỏ trong phòng cấp cứu với hai bệnh nhi khác ở hai giường kế bên, An ngoan ngoãn để bác sĩ khám trong khi anh Nguyễn Văn Bồng, cha của em nói chuyện với bác sĩ. Ngoài bệnh cấp tính, An vốn mắc tim bẩm sinh và từng mổ một lần và thường xuyên phải uống thuốc đông máu. Bác sĩ Annet khuyên gia đình để bé lại viện theo dõi kỹ hơn.

Trong mắt anh Bồng, bác sĩ “ngoại” Annet rất nhiệt tình và quan tâm bệnh nhân. Bác sĩ thường thăm bệnh ít nhất 4-5 lần mỗi ngày. Bản thân anh Bồng trò chuyện với bác sĩ bằng tiếng Anh, tuy nhiên anh cũng cho biết bác sĩ thường trao đổi với các bệnh nhân khác bằng phần mềm dịch trên điện thoại khi không có phiên dịch viên hay các bác sĩ Việt Nam đi cùng. “Bác hỏi rất kĩ về các triệu chứng của con tôi, rất thường xuyên, xem xét xem triệu chứng nào có thể có nguy cơ, có thể cũng do tình trạng của cháu đặc biệt nữa”, anh nói.

Có lẽ hầu hết bệnh nhi đều quen thuộc với bác sĩ Annet, dù không chung ngôn ngữ. Bởi với sự nhạy cảm của trẻ con, chỉ cần hành động và ánh mắt cũng đủ khiến các bé cảm thấy được sự quan tâm, ân cần. Khi một bạn nhỏ khóc, bà kiên nhẫn chờ đợi để xoa dịu, nắm tay an ủi cháu bé.

“Cháu nhà tôi rất thích bác sĩ nước ngoài ở viện”, chị Vân - một phụ huynh chăm con trong bệnh viện chia sẻ.

Bác sĩ cũng chia sẻ với chúng tôi về "bí quyết" chinh phục những bệnh nhân nhí này. Ban đầu khi vừa tiếp xúc với bà, không ít em nhỏ còn ngại ngùng và sợ sệt. Khác với trẻ em Cuba dễ tin tưởng Annet, thường cười hay hôn vào má bà, bệnh nhi ở Việt Nam dè chừng hơn với người lạ, bác sĩ nói. Bác sĩ cần dành nhiều thời gian hơn, quan tâm, chăm sóc hơn. Qua thời gian, giao tiếp khác ngôn ngữ này cũng trở nên dễ dàng hơn, bác sĩ nhận được nhiều “tín nhiệm” từ các bé.

“Dần dần với sự chăm sóc của mình thì tôi nhận thấy các bé quen hơn và hay chờ tôi ở cửa, khi thấy tôi đến sẽ nói chuyện bằng tiếng Anh, tặng tôi một cái kẹo”, bác sĩ Annet kể lại kèm với nụ cười thoải mái,“quan trọng là tôi rất yêu trẻ em, nên tôi cảm thấy rất hạnh phúc với quá trình đó, khi bệnh nhân tin tưởng vào mình”.

 

Ở Việt Nam, bác sĩ Annet còn có rất nhiều bất ngờ từ phong tục sống và thói quen của người dân. Kỷ niệm vui nhất những cũng "dị" nhất bà từng trải qua khi trực đêm ở phòng cấp cứu là tiếp một bệnh nhân bị rắn cắn. “Khi chúng tôi yêu cầu người cha mô tả nó, ông ấy đã lấy con rắn ra khỏi túi, khiến mọi người chạy tán loạn”, bác sĩ kể.

 

Đón chúng tôi về khu nhà ở công vụ, nơi nữ bác sĩ Cuba sinh sống và làm việc cùng các đồng nghiệp, bà Annet pha cho phóng viên những ly cà phê Việt Nam trước khi dẫn đi thăm một vòng. Ở đây ngoài bà còn có 2 bác sĩ Cuba khác là bác sĩ ngoại khoa Alfredo García và bác sĩ ung bướu Jesús de los Santo. Ba chuyên gia làm việc ở ba bộ phận khác nhau, nên không phải lúc nào cũng có chung lịch trình. Buổi tối, họ thỉnh thoảng tụ tập ở quầy bếp, cùng nhau nói chuyện về công việc và cuộc sống ở Việt Nam.

Cơ duyên đưa bác sĩ Annet đến với Việt Nam bắt đầu từ 4 năm trước. Annet cho biết, lúc đó bà từng nghe nhiều về Việt Nam, về người dân Việt Nam anh dũng và sự phát triển của Việt Nam. Cộng thêm với chính sách của Cuba lúc đó muốn đẩy mạnh trao đổi chuyên gia y tế tới các quốc gia cần, và bác sĩ đã chọn con đường này, theo hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế Cuba.

Với vẻ ngoài trẻ hơn tuổi cùng phong cách tích cực, bà Annet khiến chúng tôi bất ngờ khi biết tuổi thật và những kinh nghiệm dày dạn của bà. Bà sinh năm 1970 tại một thị trấn nhỏ tên là Guanabacoa, thuộc thủ đô Havana. Bà học y cơ bản ở quê nhà trong 11 năm và học chuyên khoa nhi trong 4 năm. Trong thời gian đó, bà vừa đi học vừa đi làm, vừa nuôi con trai (sau này cũng làm ngành y), vừa tham gia hỗ trợ ở các vùng dịch bệnh mỗi khi những nơi đó cần giúp đỡ.

Annet từng tham gia nhiều nhiệm vụ ở cấp quốc gia, như làm việc tại các khu vực cách ly trong đại dịch H1N1 năm 1988 và trong các đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết ở các vùng khác nhau của tỉnh Havana. Ngoài ra, tham gia vào ủy ban bệnh truyền nhiễm cấp tỉnh, bà cũng có cơ hội lấy bằng thạc sĩ về bệnh truyền nhiễm và nâng cao kỹ năng tiếng Anh cũng như tiếng Bồ Đào Nha.

Với Annet, những trải nghiệm bà có được là nhờ vào chính sách an sinh xã hội tuyệt vời của Cuba. Bà học y miễn phí, trong đó, chương trình học bác sĩ gia đình là bắt buộc. Đây là chương trình được thành lập lăm 1981 tại Cuba dựa trên ý tưởng của Chủ tịch Fidel Castro với mục tiêu để đưa các dịch vụ chăm sóc y tế nhanh chóng và miễn phí đến tất cả các vùng sâu vùng xa ở Cuba, phổ cập để bác sĩ nào cũng đảm đương được vai trò phục vụ cộng đồng.

“Một chính sách giáo dục mà tôi thấy cảm thấy tuyệt vời nhất ở Cuba là nền giáo dục được miễn phí hoàn toàn, bất kể cấp độ nào, từ cấp một đến đại học. Như vậy sẽ giúp cho các chuyên gia thoải mái hơn khi học tập và nghiên cứu, phát triển sự nghiệp”, bà Annet chia sẻ.

 

Cuộc sống hàng ngày của Annet và đồng nghiệp khá đơn sơ. Ấn tượng nhất là bức tường được trưng bày một cách trân trọng bức ảnh bà cùng các đồng nghiệp trong năm đầu ở Việt Nam bên cạnh những bằng khen mà cơ quan ở Việt Nam dành cho chuyên gia Cuba này. Trên bàn làm việc của bà, chỉ có một chiếc laptop cùng với tài liệu, bên cạnh nổi bật là một “ống heo” tiết kiệm đỏ, một món quà mà bác sĩ được tặng.

Vị nữ bác sĩ cho biết bà và đồng nghiệp thường tự đi chợ nấu ăn mỗi ngày, nói đùa với phóng viên là sắp đi xe máy thành thạo và dạo phố ở Đồng Hới.

Gia đình Annet có nhiều người làm bác sĩ. Ngoài con trai làm việc ở khoa răng hàm mặt, người dì làm ở khoa xét nghiệm, mẹ bà, ngoài 80 tuổi, là một bác sĩ nhãn khoa. “Tôi từng gửi hình ảnh một ca bệnh nhi về mắt ở Việt Nam để tham khảo ý kiến của mẹ”.

Annet cười khi chúng tôi hỏi về củ tỏi bà để ở đầu giường, nói rằng những người bạn Việt Nam đã chỉ cho bà làm điều này, có lẽ là trong thời gian đầu mất ngủ khi mới sang. “Ở đây tôi sống cứ như người Việt vậy!”, bà nói.

 

Hợp tác y tế Việt Nam - Cuba là một trong những hợp tác buổi đầu của mối quan hệ, khi cuộc chiến đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam còn ác liệt. Tình hữu nghị Việt Nam – Cuba không bắt đầu từ những thỏa thuận chiến lược mà bắt đầu từ những con người ở cách nhau nửa vòng Trái đất, tình anh em thắm thiết giữa hai dân tộc, được nảy nở tự nhiên, và được chính những người dân, như bác sĩ Annet, tiếp nối và duy trì, thế hệ này qua thế hệ khác. 

Cuba, với thế mạnh về khoa học công nghệ và y khoa, đã có mặt trợ giúp lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Việt Nam từ những ngày đó. Đến nay, thuốc và hàng trăm chuyên gia của Cuba đã được đưa sang Việt Nam. Năm 2023, Cuba cũng kỷ niệm 60 năm hợp tác y tế quốc tế, với 600.000 lượt nhân viên y tế, bác sĩ, kỹ thuật viên của nước này có mặt tại 164 quốc gia trên thế giới.

(Ảnh: Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam)

Trong giai đoạn từ 2011 đến 2020, bệnh viện Việt Nam – Cuba có nhiều sự phát triển, trong đó việc mời các chuyên gia Cuba sang làm việc tại bệnh viện là một thành công nổi bật. Theo lãnh đạo bệnh viện, từ tháng 4/2018, đã có 7 chuyên gia Cuba sang làm việc tại bệnh viện về các chuyên ngành như Tim mạch can thiệp, Ngoại Thần kinh, Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu, Nhi, Nội soi tiêu hóa. Đến nay, 4 chuyên gia đã hoàn thành nhiệm vụ và về nước, còn 3 người vẫn tiếp tục công tác.

Khi COVID-19 ập đến, Bệnh viện Việt Nam – Cuba Quảng Bình, giống như nhiều cơ sở y tế khác trên cả nước, đi vào những ngày điều trị cao điểm cho nhu cầu chống dịch.

Nhớ lại những ngày này, Annet cảm thấy may mắn khi Việt Nam đã có thời gian kiểm soát tốt số ca mắc bệnh. Tuy nhiên, bà cũng nhớ cảm giác lo lắng khi chưa biết về dịch bệnh, rằng mình và các bác sĩ có thể mắc bệnh và không thể điều trị được cho bệnh nhân, rồi cảm giác lo lắng cho người thân ở nhà.

“Mọi thứ khi đó đều rất căng thẳng và đau đớn, đột nhiên chúng tôi phải đối mặt với một căn bệnh mới và gây tử vong cao, nỗi bất an và lo sợ mắc bệnh. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc”.

Khi có một ca nhi dương tính, cả khoa nhi đã phải cách ly và các bác sĩ cùng người nhà bệnh nhân cùng sinh hoạt trong 21 ngày, rất căng thẳng. “May mắn mọi thứ tiến triển tốt và không có ai bị bệnh nặng hơn hay gặp nguy hiểm”.

 

Các bác sĩ Cuba khi đó không trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 mà duy trì điều trị chuyên khoa, góp phần giảm tải chung, khi các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm khác tiếp tục xuất hiện. “Trong các khoa mà chúng tôi làm việc, bệnh viện đã cung cấp những gì tốt nhất cho chúng tôi: kiến thức và hành động chuyên nghiệp để cứu càng nhiều mạng sống càng tốt”, Annet nói.

Giờ mọi thứ đã khác nhiều so với những ngày đầu bà ở Việt Nam.

“Theo thời gian, tôi bắt đầu ngưỡng mộ Quảng Bình và kết giao với những con người Việt Nam vui vẻ và thân thiện. Tôi được tìm hiểu truyền thống tốt đẹp của họ và học hỏi nhiều hơn mỗi ngày. Vẻ đẹp của thành phố, sự sạch sẽ, ánh sáng tuyệt vời, nhìn họ kiên trì làm việc để xây dựng lại đất nước và phát triển kinh tế đã khiến tôi thay đổi mọi thứ và luôn cảm thấy vinh dự khi được ở đây”, Annet chia sẻ.

Tại bệnh viện Việt Nam – Cuba, từ khi khánh thành năm 1974, các quá trình hợp tác giữa hai bên diễn ra liên tục, tuy có thời điểm gián đoạn nhưng tiếp tục được duy trì, trải qua thời kỳ dịch bệnh và đang tiếp tục được mở rộng.

“Có một số lĩnh vực chúng tôi đang cần như là vô sinh hiếm muộn, những phẫu thuật về đầu mặt cổ, hoặc một số chuyên ngành về phẫu thuật tim. Và chúng tôi đang liên hệ về phía bạn để nếu như có các chuyên gia ở các lĩnh vực đó thì sẽ tiếp tục mời để cùng chuyển giao hợp tác và phát triển chuyên sâu thêm theo các lĩnh vực này”, ông Nguyễn Đức Cường, bác sĩ chuyên khoa II, giám đốc bệnh viện cho biết.

Quay trở lại với Annet, nữ bác sĩ chia sẻ, bà muốn mang theo “tất cả” ở Việt Nam khi về nước, không chỉ là về công việc, mà còn kỷ niệm đẹp về hình ảnh đất nước sau kháng chiến và hiện tại, sự bền bỉ, cần cù của người Việt Nam, những món ăn đặc sắc, thiên nhiên tươi đẹp ở Phong Nha, Đà Nẵng,... Điều quan trọng nhất bà đã làm được trong 4 năm qua, được bà chia sẻ, rằng “Việt Nam là sứ mệnh cao đẹp nhất mà tôi đã hoàn thành”.

Phương Anh - Trọng Tùng - Huy Mạnh

Tin mới