Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn tốt nghiệp chương trình thạc sĩ và bác sĩ nội trú chuyên ngành ung thư của trường Đại học Y Hà Nội. Hiện tại, anh đang hợp tác chuyên môn tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, đồng thời là giảng viên trường Đại học Y dược (Đại học Quốc gia, Hà Nội).
Ths.Bs nội trú chuyên khoa ung bướu Nguyễn Xuân Tuấn.
Bác sĩ Tuấn kể, bản thân quyết định trở thành bác sĩ vì gia đình vốn đã có truyền thống làm ngành y. Hiểu được ý nghĩa nhân văn của nghề nên càng lớn, anh càng yêu thích công việc này hơn dù biết rằng không hề ít khó khăn.
Những áp lực chỉ người trong nghề mới hiểu
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn nói, sự áp lực đã bắt đầu kể từ khi còn là sinh viên y. 6 năm học đại học Y là những năm tháng miệt mài với "học và thi liên tục, lịch trực dày đặc".
"Vào những năm cuối, việc học và thi vô cùng vất vả và gấp rút, có nhiều bạn ăn ngủ ngay tại giảng đường để ôn thi, vì khối lượng kiến thức phải học và thi nội trú là rất lớn", bác sĩ Tuấn kể.
Theo bác sĩ Tuấn, các sĩ ung bướu ở Việt Nam có một chương trình học và kiến thức rất rộng. Đó gần như là một chương trình bác sĩ đa khoa vì học từ đầu tới chân. Cơ bản là vì cơ quan nào cũng có thể xuất hiện ung thư.
Ngoài ra, sự áp lực cũng có thể đến vì số lượng bệnh nhân quá đông. Nhiều khi các bác sĩ không đủ thời gian tư vấn hết ý cho người bệnh và người nhà, từ đó khiến họ hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng tâm lý, và rồi họ lại đi nghe ngóng, tìm kiếm những nguồn thông tin không chính thống khác gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nghề của các bác sĩ đó là phải lấy áp lực trở thành động lực. Tôn chỉ làm việc của vị bác sĩ trẻ là đề cao quyền của người bệnh và người nhà bệnh nhân. Do đó, anh luôn cố gắng tư vấn đầy đủ và chi tiết nhất có thể.
Luôn cùng vui, cùng buồn với người bệnh
Bác sĩ Tuấn kể, có lúc anh cảm thấy buồn bã vì bệnh nhân của mình không có đủ điều kiện kinh tế để tiếp tục chữa trị. Anh chia sẻ, nhiều lúc bản thân cũng thấy rất bất lực vì người bệnh không chịu nghe mình giải thích về bệnh tình mà cứ tin tưởng vào các cách chữa bệnh truyền miệng. Nhưng đôi khi, anh lại là người mang đến niềm hạnh phúc và hy vọng cho người bệnh vì sức khỏe của họ ngày càng có tiên lượng tốt.
Tuy vậy, trong ngành y đôi khi cũng có không ít những câu chuyện bất ngờ. "Tôi từng chứng kiến nhiều bệnh nhân ung thư phổi nhưng được phẫu thuật tốt, sau 11 năm khám lại vẫn khỏe bình thường. Có bác bị ung thư gan giai đoạn không còn quá sớm để mổ, ban đầu cứ ngỡ chỉ sống thêm 1-2 năm, vậy mà cuối cùng lần mà tôi gặp đã là năm thứ 10, vẫn tiếp tục chiến đấu.
Nhiều lắm, hỏi bác sĩ các ca bệnh ấn tượng thì chắc không đếm hết được. Nhưng rồi cứ ca này nối tiếp ca kia, nhiều khi thành quen, không ghi nhớ sâu nữa", bác sĩ Tuấn nói.
Ngoài làm bác sĩ phẫu thuật ung bướu, hiện bác sĩ Tuấn còn tham gia vào công tác giảng dạy với hy vọng truyền đạt được kiến thức và kinh nghiệm của mình cho những thế hệ sinh viên ngành y. Mục tiêu cuối cùng là giúp được người bệnh và cộng đồng có sức khỏe tốt hơn.
Trong tương lai, bác sĩ Tuấn có dự định trau dồi kinh nghiệm kiến thức khám và điều trị. Đồng thời, anh cũng có định hướng phát triển nhiều hơn các nội dung hướng tới chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng chống ung thư và hỗ trợ người bệnh ung thư.