Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bác sĩ lý giải tin đồn hóa trị ung thư khiến bệnh nặng hơn

Nhiều người nghe lời đồn đoán về tác dụng phụ khi hóa trị liền tự ý bỏ về nhà khiến bệnh ngày càng nặng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn (74 tuổi, TP.HCM) bị đau ngực nên đến khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM, để khám và phát hiện khối u trong phổi. Khi được bác sĩ tư vấn và gia đình động viên, ông quyết định phẫu thuật và hóa trị. Trải qua 2 năm điều trị, ông Tuấn vẫn khỏe mạnh và thường xuyên đi du lịch.

Ngược lại, tại cơ sở y tế này, chị Phạm Thị Nhi phát hiện khối u ruột già từ hơn một năm trước và được bác sĩ khuyên nên phẫu thuật. Trong lúc hoang mang, lo lắng, chị không được sự hỗ trợ tích cực từ gia đình, bạn bè, thay vào đó là những lời khuyên tiêu cực khiến bệnh nhân hoảng sợ và bỏ điều trị. Hậu quả là khối u ngày càng lớn và không còn khả năng điều trị.

Thông qua hai trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM, chỉ ra quan niệm sai lầm của người dân về hóa trị ung thư.

Những con số ám ảnh

Bác sĩ Vũ cho biết ung thư hiện nay được coi là bệnh dịch toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư đang dần vươn lên là nguyên nhân chính gây thiệt mạng trên toàn thế giới. Số người chết do căn bệnh này đã vượt qua lao, HIV, sốt rét… cộng lại.

Năm 2018, thế giới có 18,1 triệu bệnh nhân ung thư mới và 9,6 triệu người chết do ung thư. Dự kiến năm 2030, thế giới sẽ có 21,6 triệu ca mắc mới và 13 triệu bệnh nhân ung thư thiệt mạng.

Ung thư đang trở thành nguyên nhân nguyên nhân chính gây thiệt mạng trên toàn thế giới. (Ảnh: New Scientist)

70% số ca ung thư thiệt mạng tại các nước đang phát triển, tập trung tại châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, mỗi năm có gần 100.000 người chết do bệnh ung thư và số lượng ngày càng tăng lên.

Điều trị ung thư hiện tại đã có nhiều tiến bộ trong phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và các phương pháp mới như miễn dịch, nội tiết. Trong đó, hóa trị là một trong những phương pháp chính.

Hóa trị là gì?

Hóa trị (thường được gọi là vô hóa chất) là phương pháp dùng thuốc đặc trị để tiêu diệt tế bào ung thư. Ưu điểm của hóa trị là thuốc được đưa vào máu. Do đó, nó có thể đi khắp các cơ quan và tiêu diệt tế bào ung thư tại những vị trí khác nhau.

Hóa trị có thể được dùng trong những tình huống khác nhau như sau phẫu thuật triệt để khối u ở vú, ruột, phổi... nhằm giết chết các tế bào ung thư còn sót lại. Nghiên cứu cho thấy hóa trị sau phẫu thuật triệt để ung thư ruột già giúp tăng tỷ lệ chữa khỏi thêm 20%.

Hóa trị là phương pháp tối ưu, hiệu quả trong điều trị các loại ung thư. (Ảnh: Healthline)

Hóa trị có ưu điểm gì?

Hóa trị có thể dùng trước mổ nhằm làm khối u nhỏ lại, giúp phẫu thuật dễ dàng hơn. Ngay cả những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, việc sử dụng kết hợp hóa trị và các phương pháp khác giúp kéo dài thời gian sống của bệnh nhân từ 3 tháng lên đến 2 năm, thậm chí là 5 năm.

Theo bác sĩ Vũ, phương pháp này giúp bệnh nhân giảm đau, giảm mệt nhiều như trong điều trị ung thư vú, phổi, ruột già. Đây là kết quả của nhiều nghiên cứu với hàng chục nghìn bệnh nhân tham gia.

Hóa trị có thể gây tác dụng phụ?

Đặc tính của hóa trị là tấn công các tế bào tăng trưởng nhanh, trong đó chủ yếu là các tế bào ung thư. Tuy nhiên, cũng giống như các thuốc khác, hóa trị gây nhiều tác dụng phụ làm bệnh nhân hoảng sợ như buồn nôn, rụng tóc, sạm da, dễ nhiễm trùng…

Về điều này, bác sĩ Vũ thông tin nếu biết cách phòng ngừa, phát hiện và xử lý sớm các tác dụng phụ do hóa trị, người bệnh vẫn an toàn và phục hồi sau khi ngưng điều trị.

 Bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện Quận Thủ Đức. (Ảnh: BVCC)

Hóa trị có thể gây thiệt mạng?

Bác sĩ Vũ cho hay thiệt mạng do hóa trị vẫn có thể xảy đến ở một số rất ít bệnh nhân. Thường những bệnh nhân này ở giai đoạn muộn, thể trạng suy kiệt và có nhiều bệnh lý kèm theo.

“Con số này rất ít và cũng là điều đáng tiếc khi điều trị. Tuy nhiên, không nên vì vài trường hợp đáng tiếc mà bỏ qua cơ hội cho hàng nghìn bệnh nhân khác”, bác sĩ Vũ nói.

Chuyên gia này cho biết Internet và mạng xã hội đang lưu truyền những bài viết rất kỳ quặc về điều trị ung thư. Trong đó, họ khuyên bệnh nhân bỏ điều trị, thổi phồng các tác dụng phụ làm bệnh nhân hoảng sợ, quảng cáo quá mức thực phẩm chức năng. Một số bài viết còn tạo dựng nên những “chuyên gia” từ Nhật, Mỹ… với những lập luận hoàn toàn không khoa học, gây hại cho bệnh nhân.

“Nếu bạn hoặc người nhà chẳng may mắc phải căn bệnh quái ác này, hãy đến bác sĩ chuyên khoa để cùng nhau chọn cách xử trí tốt nhất dựa trên khoa học, đừng tin quá nhiều vào những thông tin trôi nổi trên mạng”, bác sĩ Vũ khuyến cáo.

Nguồn: Zing News

Tin mới