Sáng 2/2, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ về dịch bệnh do virus corona gây ra, cũng như trang bị kiến thức và kỹ năng phòng vệ cơ bản nhất.
- Ông đánh giá thế nào về mức độ nguy hại của dịch bệnh khi ở Việt Nam có tới 7 người dương tính với virus corona?
Hiện tại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona đang ở mức đáng báo động. Ngày 31/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng, gây quan ngại toàn cầu.
Hôm qua (1/2), Thủ tướng công bố tình trạng dịch bệnh trên lãnh thổ Việt Nam khi phát hiện ra 1 trường hợp từ Trung Quốc lây bệnh cho công dân Việt Nam, tức là có thể lan ra cộng đồng.
- Theo ông, người dân cần hiểu mức độ về dịch tại Việt Nam như thế nào?
PGS.TS. Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới.
Thông điệp tôi muốn đưa ra là "Không chủ quan nhưng không quá hoang mang". Chúng ta cần phải nhận định tình hình dịch cho đúng và mức độ dịch đang từng bước lan rộng.
Tuy nhiên, mức độ thông tin cần phải kiểm soát, ở mức độ người dân hãy tin những thông tin chính thống từ các cơ quan truyền thông quốc gia như: Bộ Y tế, đường dây nóng, các trang mạng chính thống.
Quan điểm của Chính phủ cũng như Bộ Y tế là công khai minh bạch thông tin, thường xuyên cập nhật tình hình về số ca mắc bệnh và số người chết, khuyến cáo người dân cần phải làm gì nên chúng ta không tin vào những thông tin trên trang mạng xã hội gây hoang mang dư luận.
Còn những người đăng tải thông tin gây hoang mang sẽ phải chịu trách nhiệm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như đưa ra thông tin giả.
- Nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh này thì nguy cơ lây lan của dịch bệnh sẽ như thế nào thưa PGS.TS Đỗ Duy Cường?
Dịch bệnh nào cũng vậy, bắt đầu từ những ca bệnh đầu tiên sau đó lan rộng ra. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh do chủng virus mới của corona này là chủng từng xảy ra trước đây như dịch SARS, MERS-CoV là những dịch gây bệnh theo đường hô hấp với tỉ lệ thiệt mạng cao. Do đó, khi có những trường hợp mắc bệnh đầu tiên thì Bộ Y tế cũng như Chính phủ đã vào cuộc khẩn trương.
Tuy nhiên, diễn biến dịch là lan rộng sau đó đến đỉnh điểm rồi mới lui bệnh được. Tôi cho rằng ở giai đoạn này dịch đang lan tới đỉnh điểm, tập trung vào khoảng tháng 2 này. Cho nên ngay từ bây giờ phải có biện pháp ngăn chặn, bởi hiện nay dịch đã lan ra ngoài cộng đồng khiến một số người mắc bệnh.
Ca mắc bệnh thứ 7 lây trong thời gian quá cảnh ở Vũ Hán sau đó về Việt Nam và được kiểm soát chặt chẽ, cách ly ở TP.HCM. Ca này đang điều trị tại BV Nhiệt Đới TP.HCM
Làm thế nào để hạn chế người mới bị nhiễm, không lây lạn mạnh ra cộng đồng, tôi cho rằng rất khó nếu như quản lý. Cần phải điều tra dịch tễ của người bệnh sát sao, cách ly kịp thời những người đã tiếp xúc với người mắc bệnh trên hành trình mà người bệnh di chuyển.
- Ông đánh giá như thế nào về mức độ nguy hại do chủng virus mới nCoV gây ra?
Chủng virus nCoV cũng thuộc nhóm corona virus, gây nên một tình trạng là tỷ lệ lây lan cao, thiệt mạng cao so với dịch SARS. Cụ thể, dịch SARS thì tỷ lệ thiệt mạng là 10%, dịch MERS CoV tỷ lệ thiệt mạng là 30%, nhưng dịch này thì chỉ khoảng dưới 3%.
Tuy nhiên các con số đưa ra chỉ tương đối. Còn nhiều trường hợp nặng phải nằm viện, có thể thời gian tới số lượng thiệt mạng tăng lên vì những người đang điều trị, chưa được xuất viện khá lớn.
Tại Việt Nam cần cảnh giác với những trường hợp nặng, người già, người có cơ địa mắc các bệnh nền, suy giảm miễn dịch.