Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bác sĩ chỉ cách xử trí ngộ độc Botulinum do ăn đồ chay

(VTC News) -

Liên quan vụ ngộ độc do ăn bún riêu chay khiến 5 người nguy kịch, 1 người chết ở Bình Dương, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 có những chia sẻ về ngộ độc Botulinum.

Những ngày qua, TP.HCM ghi nhận vụ ngộ độc nặng khiến 5 người nguy kịch, 1 người chết (tại Bệnh viện Chợ Rẫy) do bún riêu chay nhiễm Botulinum ở Bình Dương. Trong số 5 bệnh nhân, có một bé gái 16 tuổi nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 2 với tình trạng hôn mê, suy hô hấp phải trợ thở bằng máy, phải dùng thuốc giải độc. 

Theo ThS BS Nguyễn Đình Qui, Phó Khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh nhân 16 tuổi và 1 bệnh nhân 53 tuổi (Cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115) hiện sức khỏe đã cải thiện rõ rệt do ngay trong đêm cấp cứu, bác sĩ đã cho dùng thuốc giải độc từ các bác sĩ BV Bạch Mai đem vào hôm 25/3. 

Qua vụ ngộ độc trên, ThS BS Nguyễn Đình Qui, Phó Khoa Nội 1 có những chia sẻ về thông tin cần thiết liên quan đến ngộ độc Botulinum.

- Ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum nghĩa là gì?

Ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum thường liên quan đến ăn uống các thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp đã nhiễm độc tố Botulinum do chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra.

Bệnh cảnh chủ yếu của ngộ độc này là gây liệt toàn bộ các cơ lan dần từ trên xuống, tùy mức độ khác nhau, nhẹ thì người bệnh vẫn tỉnh táo, yếu nhẹ cơ, nặng có thể liệt cơ hô hấp gây suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Thời gian khởi phát bệnh thông thường 12 – 36 giờ sau ăn, phần lớn trong vòng 24 giờ, có thể khởi phát chậm trong vòng 6 – 8 ngày.

ThS BS Nguyễn Đình Qui, Phó Khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 khám cho một bệnh nhi. 

- Các triệu chứng ngộ độc thường gặp là gì, thưa bác sĩ?

Thông thường đầu tiên bệnh nhân sẽ nôn ói, đau bụng, sau đó chướng bụng và nặng hơn có thể liệt ruột.

Có trường hợp liệt đối xứng 2 bên. Nhẹ thì mỏi cơ đến nặng thì liệt hoàn toàn các cơ nhưng không có rối loạn cảm giác. Tình trạng liệt nặng gây suy hô hấp, bí tiểu kèm theo.

- Khi ngộ độc Botulinum, xử trí cấp cứu thế nào?

Nếu bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc sớm ngay sau ăn, khuyến cáo người thân có thể thực hiện gây nôn tại nhà ngay (nằm đầu thấp, móc họng kích thích nôn) nhưng cần thận trọng tránh gây hít sặc vào đường hô hấp. Tốt nhất đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt nếu nghi ngờ ngộ độc.

Việc điều trị giải độc tố được chỉ định ngay khi yếu tố lâm sàng và dịch tễ nghi ngờ, đôi khi không cần chờ kết quả xét nghiệm tìm thấy độc tố Botulinum trong thực phẩm, trong chất nôn, dịch dạ dày, dịch ruột, phân hoặc máu bệnh nhân.

- Cách phòng ngừa ra sao để tránh ngộ độc Botulinum?

Ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum đa phần là ngộ độc nặng, tỉ lệ tử vong cao, thời gian liệt kéo dài, do vậy, phòng ngừa vẫn là điều quan trọng nhất.

Người dân nên chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được chứng nhận. Thận trọng với thực phẩm đóng hộp, khi mở có mùi hoặc màu sắc hoặc vị thay đổi bất thường nên bỏ ngay. Ưu tiên ăn thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.

Thực phẩm chế biến sẵn như pate chay có nguy cơ nhiễm độc Botulinum rất cao. 

Ngày 27/3, Bệnh viện tỉnh Kon Tum xác nhận cũng đang điều trị cho 4 người và Trung tâm Y tế huyện Kon PLông (Kon Tum) cũng đang theo dõi 9 người khác ở xã Măng Cành nghi bị ngộ độc Botulinum. 

Trước đó, tháng 7-8/2020, Việt Nam cũng ghi nhận hàng loạt ca ngộ độc Botulinum liên quan đến pate Minh Chay.

MAI THÚY

Tin mới