Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bác sĩ cảnh báo nguy hiểm từ vết côn trùng đốt

(VTC News) -

Khi bị côn trùng đốt, người bệnh có biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi, da và mắt thường xung huyết, có thể có ban đỏ trên da.

Sốt cao vì bị mò đốt 

Các bác sĩ của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, thời gian gần đây bệnh viện liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ sốt nhập viện do mò đốt. Bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp Nguyễn Huy T. 10 tuổi. 10 ngày nay bé thường xuyên bị sốt từng cơn, uống thuốc kháng sinh không đỡ.

Qua thăm khám bác sĩ phát hiện một vết loét đóng vảy đen điển hình do ấu trùng mò đốt ở vùng nách, kích thước 5x10mm. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị nhiễm khuẩn huyết/theo dõi bệnh do Rickettsia và chỉ định nhập khoa Hồi sức cấp cứu điều trị.

Trường hợp của bệnh nhi T. nếu không được điều trị kháng sinh sớm và thích hợp, bệnh sốt mò có thể tiến triển nặng dẫn tới biến chứng suy đa tạng trong đó có suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu và tử vong.

Vết thương nhỏ nhưng nguy hiểm

Bác sĩ Dương Văn Linh, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết, sốt do mò đốt là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Rickettsia tsutsugamushi gây ra qua vật trung gian là ấu trùng mò.

Mò thường sống ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm, nơi có bóng râm hoặc trong hang đá. Ấu trùng mò thường chọn đốt vào những vùng da mềm, ẩm như bộ phận sinh dục, hậu môn, bẹn, nách, cổ, rốn, mi mắt...

Hình ảnh vết mò cắn.

Do vết đốt không đau nên người bệnh thường không chú ý. Sau khi bị đốt từ 6 đến 12 ngày, bệnh nhân bắt đầu phát bệnh. Người bệnh có biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi, da và mắt thường xung huyết, có thể có ban đỏ trên da. Lúc đầu, tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, sau đó vết đốt đóng vảy đen và khi bong vảy tạo thành vết loét nhỏ lõm như đáy giếng.

Sốt do mò đốt có các triệu chứng gần giống như cảm cúm, sốt phát ban, sốt xuất huyết, rất khó phân biệt với các bệnh sốt khác. Do đó người bệnh thường bị chẩn đoán nhầm là bệnh sốt rét, thương hàn, nhiễm trùng huyết hoặc sốt kéo dài không rõ nguyên nhân.

Bệnh sốt do mò đốt chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Để phòng tránh bệnh, người dân hạn chế đi vào vùng bụi rậm, cỏ thấp, vùng đất ẩm, vách núi, hang động. Khi đi vào những khu vực nghi có nhiều ấu trùng mò nên mặc quần áo dài, buộc kín gấu quần, mang tất tay, tất chân, ủng.

Nếu bị các nốt đốt lạ và sốt cao, không rõ nguyên nhân, cần kiểm tra kỹ tất cả bề mặt da trên cơ thể tìm các vết đốt, sau đó cần đưa đến các cơ sở y tế sớm để được các bác sỹ khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

PGS Nguyễn Văn Châu – nguyên bác sĩ khoa Côn trùng, Viện sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương cho biết bệnh Sốt do ấu trùng mò đốt hay gọi là sốt mò Scrub typhus (hay sốt bụi rậm, sốt triền sông Nhật Bản, sốt Rickettsia) là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C.

PGS Châu cho biết tác nhân gây bệnh là Rickettsia tsutsugamushi hay Orientia tsutsugamushi, tồn tại ngoài thiên nhiên, do ấu trùng mò (Trombiculidae) truyền ngẫu nhiên sang người qua vết đốt của chúng. Bệnh lưu hành chủ yếu ở khu vực châu Á và tây Thái Bình Dương.

Ở Việt Nam sốt mò được Noc. Goutron phát hiện tại Sài Gòn vào năm 1915. Từ đó đến nay, bệnh tiếp tục xảy ra ở vùng trung du và rừng núi của Việt Nam. Đặc biệt sau năm 1990, bệnh sốt mò có xu hướng quay trở lại và mở rộng vùng phân bố.

Tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2000-2002 có 449 bệnh nhân bị sốt mò vào điều trị tại bệnh viện Uông Bí. Từ đầu tháng 3/2001 đến hết tháng 2/2003 tại Viện Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới có 255 ca sốt mò từ 24 tỉnh và thành phố của Miền Bắc về điều trị. Từ năm 2009 - 2010, tại Khánh Hòa, Quảng Nam và Quảng Ngãi có 83 bệnh nhân sốt mò.

PGS Châu cho biết hiện nay cái khó của bệnh sốt mò đó là các loại thuốc kháng sinh điều trị sốt mò đặc hiệu như Tetracyclin, Doxycyclin … không có trong danh sách cơ số thuốc cho bệnh nhân bảo hiểm y tế ở tuyến y tế xã.

Những địa phương nhiều năm không có bệnh sốt mò nên người dân và cán bộ y tế cơ sở “lãng quyên” bệnh này. Nếu người bị sốt mò nhưng bác sĩ không nghĩ đến bệnh sốt mò và không điều trị thì có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Quỳnh Trâm

Tin mới