Theo tổng hợp từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) thị xã Thuận Thành, sau khi bão số 3 đổ bộ qua địa bàn thị xã Thuận Thành, tính đến ngày 9/9, trên địa bàn có 4 người bị thương và nhiều thiệt hại về tài sản là nhà ở, cơ sở hạ tầng gồm: điện, đường, trường, trạm.
Nông dân xã Đại Đồng Thành buộc lại diện tích lúa bị đổ sau cơn bão số 3.
Ngoài ra, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra ở lĩnh vực nông nghiệp cũng được đánh giá là khá lớn, cụ thể: đã có 868,8ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó lúa 763,5ha, ngô là 22,3ha, lạc 5,4ha, đậu tương 0,5ha, rau mầu khác 68,1ha, hoa và cây cảnh 9ha.
Có 243,7ha cây ăn quả bị ảnh hưởng gồm chuối 160,7ha; cam, bưởi 67,8ha; loại khác 15,2ha. Có 8.000 m2 nhà lưới bị tốc lưới, hệ thống giàn lưới che bị đổ là 7,06ha; có 5.629 cây bóng mát, cây xanh bị gãy, đổ; chuồng trại chăn nuôi bị tốc mái 200 m2 và đổ tường 800 m dài; về nuôi trồng thủy sản có 6 lồng cá và 3ha ao đất bị ảnh hưởng.
Khu vực trang trại của anh Lê Văn Đạt tại xã Ngũ Thái sau cơn bão số 3.
Có mặt tại mô hình trang trại nông nghiệp của anh Lê Văn Đạt xã Ngũ Thái, bão số 3 đã quét qua 15ha, toàn bộ hệ thống nhà màng, nhà lưới bị đổ sập hoặc tốc mái, ước tính ban đầu thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Anh Lê Văn Đạt, chủ trang trại, chia sẻ: "Cơn bão số 3 được đánh giá là rất mạnh, có sức tàn phá rất lớn, những nơi nó đi qua phải gánh chịu rất nhiều thiệt hại, tôi mong muốn Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ để giúp những người làm trang trại sản xuất nông nghiệp tiếp tục vượt qua khó khăn ổn định sản xuất".
Ngoài việc khắc phục thiệt hại về nhà ở, cơ sở hạ tầng, nông dân các địa phương tích cực xuống đồng để khắc phục những thiệt hại đối với sản xuất do cơn bão số 3 gây ra.
Bà Ngô Thị Lượt, nông dân thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, chia sẻ, vụ mùa năm nay gia đình bà gieo cấy 5 sào, trong đó 2 sào đã bị đổ ngã trong cơn bão số 3, bà Lượt đã chủ động buộc dựng lúa thành chùm, với những diện tích lúa đang giai đoạn trỗ thoát, ngậm sữa, chắc xanh bị đổ ngã cũng sẽ ảnh hưởng phần nào đến năng suất và sản lượng cuối vụ.
Trước những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, để ổn định đời sống cũng như sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, bà Trương Thị An - Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Thuận Thành - cho biết, ngành nông nghiệp thị xã Thuận Thành phân công đội ngũ cán bộ cùng với các xã phường trên địa bàn tiến hành kiểm tra, đánh giá đồng ruộng, hướng dẫn nông dân buộc dựng lúa thành chùm với những diện tích lúa đang giai đoạn ngậm sữa, chắc xanh bị đổ ngã; đối với cây rau mầu, cây ăn quả: tập trung vệ sinh đồng ruộng, vườn cây; phun bổ sung phân bón lá, chế phẩm vi lượng,… giúp cây nhanh phục hồi, phòng trừ sâu bệnh đầy đủ, kịp thời đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển thuận lợi.
Khu vực trang trại công nghệ cao Delco farm tại xã Nguyệt Đức sau cơn bão số 3.
Ngoài ra, chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau màu để sẵn sàng gieo trồng lại với những diện tích bị thiệt hại ngay khi điều kiện thời tiết thuận lợi.
Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng phối hợp với các ngành, các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến của mưa bão và tình hình sản xuất để người dân chủ động ứng phó; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sinh vật gây hại, đặc biệt sự bùng phát của các mầm bệnh như: bệnh đốm sọc vi khuẩn và bạc lá, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu- rầy lưng trắng,... sau bão để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sinh vật hại gây ra từ nay đến cuối vụ.
Đối với chăn nuôi, ngành nông nghiệp có thông báo đến người dân về việc thu dọn, vệ sinh, củng cố chuồng trại đảm bảo khô ráo, thoáng mát; khử trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi.
Đối với thủy sản, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Thuận Thành phối hợp với người dân kiểm tra, gia cố bờ ao bị sạt lở, chủ động tháo rút, giảm lượng nước trong ao, chạy máy quạt nước, sục khí cân bằng yếu tố môi trường nước ao; thu gom, xử lý rác, chất thải và thủy sản chết (nếu có).
Về nuôi lồng trên sông, gia cố, bổ sung lại hệ thống các phao, tấm chắn, hệ thống dây chằng, túi cát góc lồng.. của các lồng nuôi, phòng ngừa gió, nước lũ chảy mạnh tiếp tục làm hư hại lồng nuôi.
Với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp, các ngành, sự vào cuộc tích cực từ phía người dân công tác khắc phục hậu quả thiệt hại sau cơn bão số 3 của thị xã Thuận Thành đã được thực hiện hết sức khẩn trương và đạt hiệu quả tích cực, ngành nông nghiệp thị xã đã chủ động tham mưu các giải pháp nhằm ổn định sản xuất trước mắt cũng như từ nay đến cuối vụ mùa nhằm duy trì ổn định sản xuất và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão lũ gây ra.