Lễ hội chém lợn làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) diễn ra ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ vị Thành hoàng làng (Tướng quân Đoàn Thượng), người đã chém lợn để nuôi quân, đồng thời cầu mong một năm mới an lành, may mắn.
Lễ hội này đã có lịch sử hơn 800 năm. Theo truyền thuyết được dân làng truyền kể, lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ một vị tướng thời nội chiến. Khi bị đối phương truy đuổi, vị tướng này đã dẫn quân về lánh nạn ở làng Ném Thượng. Vì không đủ lương thực, trong khi lợn rừng lại rất nhiều, nên ông đã ra lệnh chém lợn nuôi quân.
Nghi thức rước hai "ông lợn" quanh làng.
Theo ông Nguyễn Đăng Công, Trưởng Khu phố Ném Thượng, Trưởng Ban tổ chức lễ hội, lễ hội làng Ném Thượng diễn ra trong hai ngày mùng 5-6 tháng Giêng, trong đó mùng 6 là chính hội. Mùng 4 tháng Giêng, nghi lễ mở cửa đình được bắt đầu. Trong ngày mùng 5, lễ khai mạc hội và lễ nhập tịch, đón "ông lợn" về nhập đình để sáng mùng 6 tổ chức rước quanh làng.
"Những năm trước, lễ hội làng Ném Thượng vẫn tổ chức nghi lễ chém lợn giữa sân đình trước sự chứng kiến của nhiều người gây phản cảm và có nhiều tranh luận. Từ năm 2016, để chấm dứt tình trạng trên và đảm bảo yếu tố truyền thống, hai "ông lợn" đã được đưa vào khu vực kín, được quây bạt giết thịt tế Thánh chứ không chém lợn ở giữa sân đình như trước", ông Công cho biết thêm.
Hai "ông lợn" được đưa vào khu vực được quây bạt kín để giết thịt tế Thánh.
Năm 2024, lễ hội làng Ném Thượng vẫn duy trì các nghi thức truyền thống nhưng bảo đảm thực hiện theo nếp sống văn minh. Hai "ông lợn" năm nay do hội đồng niên sinh năm 1975 nuôi và được 2 thủ đao sinh năm 1978 thực hiện nghi lễ giết thịt. Những người được chọn nuôi lợn và làm thủ đao phải từ những gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, khỏe mạnh.
Phấn khởi vì được đại diện cho gia đình nuôi lợn, ông Nguyễn Thanh Cường (ở khu phố Thượng, phường Khắc Niệm) cho biết: "Khi được chọn để nuôi lợn tế Thánh thì khoảng tháng 8/023 gia đình chúng tôi cùng các cụ trong làng đã đi chọn lợn. Lợn nuôi phải to, đẹp, không có khuyết tật. Về đến nhà, lợn được chăm sóc đặc biệt vì đây là việc cả đời mới được làm một lần. Sau hơn 5 tháng chăm sóc, ông lợn của gia đình tôi lớn nhanh và nặng 195kg".
Gia đình ông Nguyễn Thanh Cường - một trong 2 gia đình nuôi lợn.
Cũng như gia đình ông Cường, gia đình ông Trần Văn Khanh, sinh năm 1978, cảm thấy rất vinh dự khi được chọn làm thủ đao, giết lợn nấu cỗ ngọc tế Thánh.
"Tôi và anh Độ được đại diện cho đồng niên sinh năm 1978 làm thủ đao, giết lợn nấu cỗ ngọc. Chúng tôi thấy rất vinh dự vì để được chọn làm thủ đao thì gia đình phải yên ấm, không điều tiếng, không vi phạm quy định của làng, pháp luật Nhà nước, con cháu ngoan ngoãn, lễ phép", ông Khanh phấn khởi nói.
Sau khi hành lễ và đưa rước quanh làng, đến 11h30, đoàn rước trở về đình làng để thực hiện các nghi lễ tế thánh. Hai "ông lợn" được đưa vào khu vực nhà bạt để làm cỗ ngọc tế Thánh.
Bên cạnh nghi lễ truyền thống, phần hội còn diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ độc đáo, hát Quan họ dưới thuyền, trò chơi dân gian như trò đánh đu, thi nấu cỗ ngọc.