Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Bác từng dặn chúng ta: Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài'

(VTC News) -

Bác từng dặn "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài" nhưng có người ngay từ khi có ý định, động cơ vào Đảng đã coi đây là tổ chức để làm quan phát tài.

Chất lượng đội ngũ đảng viên luôn được Đảng ta coi trọng và xác định là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên. Đây là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Trong nhiều năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều chủ trương quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc xây dựng Đảng về tổ chức mà nòng cốt là nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ đảng viên.

Tại Hội nghị Trung ương 5, Ban chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 21 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Đây là kim chỉ nam cho hành động của cấp ủy các cấp trong triển khai, xây dựng đội ngũ đảng viên với những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, để đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới.

Tuy nhiên, nhìn lại thực tế thời gian qua vẫn còn những nơi chưa chú trọng chất lượng đảng viên, vẫn còn những tổ chức cơ sở đảng với số đảng viên đông nhưng chưa mạnh, thậm chí có không ít người khi đứng vào hàng ngũ của Đảng lại không tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện, thiếu bản lĩnh, không gương mẫu, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham nhũng, vi phạm pháp luật.

Làm thế nào để xây dựng được đội ngũ đảng viên thực sự mạnh, là nòng cốt, nhân tố quyết định mọi thắng lợi trong tình hình mới? Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về nội dung này.

- Bên cạnh đội ngũ đảng viên luôn cố gắng rèn luyện, phấn đấu hàng ngày, trên thực tế vẫn có không ít đảng viên thiếu tu dưỡng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, trong đó có người giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt, thuộc diện Bộ Chính trị, Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật. Đặc biệt vào thời điểm cả nước cùng chung sức đồng lòng đối phó với dịch COVID-19 đã có không ít cán bộ, đảng viên không giữ được mình, có những vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. Ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện đáng buồn này?

Đây là một câu chuyện khá buồn, bởi lẽ đảng viên phải là những người đi trước, phải là những người ưu tú, có bản lĩnh. Trước đổi mới, có rất ít vụ án, nhưng bây giờ có rất nhiều đảng viên bị truy tố đứng trước tòa, thậm chí là những người nắm giữ cương vị rất cao từ Ủy Bộ Chính trị rồi Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, Bộ trưởng, Thứ trưởng.

Song ở đây tôi nhìn thấy có cả biểu hiện tích cực là trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng đã có quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, những người nào mắc sai lầm, khuyết điểm thì kiên quyết xử lý để làm gương.

PGS.TS Lê Văn Cường. (Ảnh: Chinhphu.vn)

- Ông nhìn nhận như thế nào về chất lượng đảng viên qua những câu chuyện buồn như vậy?

Như mong mỏi của C.Mác, đảng viên là những chiến sĩ tiên phong cả về lý luận và hành động thực tiễn, nếu được như vậy thì tốt quá. Thế nhưng, bên cạnh đó cũng có những người đánh mất mình. Theo tôi có 2 loại, một là người ta đã đánh mất mình ngay từ đầu, cho nên động cơ vào Đảng không trong sáng. Bác đã từng dặn chúng ta: Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Thế nhưng, những người này ngay từ đầu khi có ý định, động cơ vào Đảng đã coi đây là một tổ chức để làm quan phát tài.

Thứ hai là có những người ban đầu nhận thức tốt, phấn đấu tốt, có nhiều công lao, cống hiến và đặc biệt là có nhiều thành tích nên mới được Đảng, nhân dân tin tưởng giao những chức trách, nhiệm vụ cao. Tuy nhiên, trong công tác, họ không giữ được mình, có những biểu hiện buông thả.

Ở Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Đảng ta đã nhận diện 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ 27 biểu hiện, trong đó chỉ rõ biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, không giữ được mình, đánh mất mình.

Bên cạnh những đảng viên tốt, những người phấn đấu, cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp chung thì cũng có không ít những người tụt hậu, thậm chí làm hoen ố thanh danh của Đảng và làm ảnh hưởng đến một danh xưng rất thiêng liêng cao quý đó là danh xưng Đảng viên.

- Theo báo cáo, trong 10 năm qua, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý. Con số này nói lên điều gì và nguyên nhân dẫn đến thực trạng này do đâu, thưa ông?

Tôi cho rằng, con số này nói lên 2 mặt. Một là, chúng ta làm rất mạnh mẽ, chặt chẽ và như Tổng Bí thư nói là “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, người nào không làm được thì đứng sang một bên để người khác làm.

Bên cạnh đó, chúng ta thấy cũng gay go bởi lẽ bước vào thời kỳ đổi mới, đất nước khởi sắc, thay da đổi thịt nhưng tham nhũng, tiêu cực nhiều, không ít đảng viên vi phạm kỷ luật. Ví dụ đợt COVID-19 vừa qua, cả nước gồng mình chống dịch, trong khi nhiều tấm gương sáng như chiến sĩ quân đội, công an, bác sĩ giúp dân chống dịch thì lại xảy ra vụ Việt Á, vụ chuyến bay “giải cứu”. Lẽ ra lúc đó, tấm gương sáng ngời của đảng viên phải được nêu lên thì lại trở thành những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Ở đây có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, đối với sự xuống cấp, suy thoái đến mức phải thi hành kỷ luật của đội ngũ đảng viên này thì nguyên nhân chủ quan là chính. Họ đã thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, nên họ không thể chống lại những cám dỗ của tiền bạc, lợi ích vật chất, phi vật chất nên đã vi phạm.

Những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vẫn còn kẽ hở để người ta lợi dụng. Và đôi lúc, ở đâu đó có tư tưởng thỏa hiệp với hành vi tham nhũng mà chúng ta hay dùng từ “tham nhũng vặt”. Gần như câu chuyện doanh nghiệp phải “bôi trơn”, hay đến cửa công là bị gây phiền hà, nhũng nhiễu đã trở thành chuyện bình thường. Cho nên việc người nào đó nhận những đồng tiền không chính đáng như vậy cũng là chuyện bình thường, dần dần nó trở thành một thói quen.

Ở Đại hội Đảng lần thứ XIII có nét mới là bổ sung việc phòng, chống tiêu cực, đấy chính là chống lại “tham nhũng vặt”, là chống lại những việc coi “tham nhũng vặt” là chất dầu nhờn bôi trơn bộ máy Nhà nước. Nếu nhận diện đúng nguyên nhân và khắc phục được với tinh thần trừng trị nghiêm minh thì mới khiến cán bộ, đảng viên không thể tham nhũng.

Bên cạnh đó, phải giáo dục tư tưởng của cán bộ, đảng viên hướng tới phương châm cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, tiêu tiền sạch bằng chính sức lao động cống hiến của mình.

- Ông có bình luận gì về tinh thần xây dựng đội ngũ đảng viên "thà ít mà tốt"?

Bây giờ chúng ta phải đặt rõ vấn đề, trong các nội dung: số lượng, cơ cấu, chất lượng thì phải đặt chất lượng là yếu tố quyết định hàng đầu, hay như trong binh pháp cũng đã nói “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, đông nhưng không mạnh thì sẽ hỏng. Ngay như Lenin đã từng nói: những đảng viên hữu danh vô thực thì có cho không tôi cũng không cần.

Ở đây, nếu hài hòa được thì rất tốt, nhưng nếu phải chọn thì chất lượng của từng đảng viên là số 1 để hợp thành chất lượng của cả đội ngũ. Có như vậy mới đảm bảo đúng phương châm “thà ít mà tốt” và thực hiện đúng lời dạy mà các bậc tiền bối đã nêu gương cho chúng ta đó là “đảng viên đi trước làng nước theo sau”.

- Theo ông, để Nghị quyết 21 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới đi vào cuộc sống, khắc phục được tình trạng đảng viên đông nhưng không mạnh, các cấp ủy đảng cần quán triệt và tổ chức triển khai Nghị quyết ra sao?

Để nghị quyết đi vào cuộc sống thì cần phải trải qua các bước. Và có một nét mới, sáng tạo là triển khai nghị quyết trực tuyến đến các điểm cầu. Lần đầu tiên tôi thấy nghị quyết đến được 1/5 đảng viên, ngay như quán triệt Nghị quyết Đại hội 13, qua các điểm cầu thống kê lại cho thấy có khoảng 1 triệu/5 triệu đảng viên được tiếp cận.

Để tránh tình trạng nghị quyết hay nhưng đi vào thực tiễn lại không hay lắm, các cấp ủy tổ chức đảng căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan mình để cụ thể hóa nghị quyết này. Như Bác dạy chúng ta, chủ trương một thì biện pháp phải 10 và kế hoạch phải 20, 30.

Ví dụ, tổ chức Đảng nào đang còn yếu về mặt số lượng, tức là vướng vào tình trạng có quần chúng, nhân dân nhưng không có Đảng thì phải chú ý. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên cần phải làm tốt công tác kết nạp đảng viên.

Nơi nào tổ chức cơ sở đảng yếu kém thì phải củng cố để khi nhìn vào thấy đây đúng là hạt nhân lãnh đạo, là tấm gương cho quần chúng noi theo. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần nêu gương, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, bởi một tấm gương sống có giá trị bằng hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền.

Một biện pháp nữa là bằng những hành động thiết thực, cụ thể, ví dụ như ở Lào Cai có “ngày thứ 7”, cán bộ, đảng viên xuống cơ sở để gần dân, sát dân, cầm tay chỉ việc, như thế mới đi sâu vào quần chúng và phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên.

- Trong tình hình mới hiện nay, theo ông, các đảng viên cần tự phấn đấu và rèn luyện ra sao?

Cần phải có những quy định, quy chế cụ thể, kể cả thước đo đảng viên cũng phải bớt định tính mà phải định lượng. Như Bác nói, một người đảng viên, một công chức được giao việc gì thì làm tốt việc ấy, chứ đừng để giao mỗi việc quét nhà nhưng lại để cho nhà đầy rác, tức là phải có tiêu chí cụ thể để đo được.

Bên cạnh đó, quy định phải tạo ra một sự thi đua lành mạnh để người tốt được kịp thời biểu dương, khuyến khích, khen thưởng, để chúng ta lấy cái đẹp dẹp cái xấu.

Tự bản thân từng đảng viên phải có tinh thần tự soi tự sửa, tự rèn luyện, tự cố gắng. Đấy là những điều mỗi người đảng viên cần và những tổ chức đảng cần để làm tốt hơn trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông.

Nguyễn Hằng (VOV1)

Tin mới