Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bắc Cực bốc cháy: Loài người đến rất gần thảm họa diệt vong

(VTC News) -

Các đám cháy lớn chưa từng có ở Bắc Cực đang xảy ra là lời cảnh báo về nguy cơ hủy diệt hệ sinh thái toàn cầu, khiến thảm họa diệt vong của nhân loại cận kề.

Bắc Cực liên tục bốc cháy, 600 tỷ tấn băng tan chảy

Sau thảm họa cháy rừng Amazon năm 2019, thế giới đang phải đối mặt tiếp với khủng hoảng môi trường, khi nạn cháy rừng lan đến khu vực tưởng chừng như không thể xâm phạm - Bắc Cực.

Pierre Markuse, chuyên gia ảnh vệ tinh vừa đăng tải những hình ảnh được lấy từ dữ liệu vệ tinh viễn thám châu Âu Sentinel-2. Theo đó, xuất hiện ngọn lửa lan rộng và khói đen dày đặc trên vùng đất rộng lớn ở Cộng hòa Sakha, khu vực Siberia (Nga) từ ngày 19/5 đến 3/6.

Các đám cháy đang bùng phát bởi nhiệt độ cao chưa từng thấy trên Vòng Bắc Cực. Các nhà khoa học cho biết nguy cơ của sự tàn phá hủy diệt hệ sinh thái trên quy mô khổng lồ đang đến rất gần.

Hình ảnh vệ tinh từ ngày 2/6 của đám cháy ở khu vực Bắc Cực.

Cháy rừng thường xảy ra trong những tháng mùa hè, nhưng năm 2020 những đám cháy bắt đầu từ những tháng đầu năm, trong khi nhiệt độ tăng và băng tan chảy.

Trong khi đó, nhiệt độ trung bình trên khắp nước Nga từ tháng 1 đến tháng 4/2020 đã cao hơn gần 6 độ C so với thông thường, "xứ tuyết" Matxcơva trải qua một mùa đông không có tuyết.

Các nhà khoa học cho biết, Bắc Cực, nơi có khoảng 4 triệu người sinh sống, đang nóng lên nhanh gấp đôi so với phần còn lại của thế giới vì biến đổi khí hậu. Khatanga, một ngôi làng ở Nga, nằm trên Vòng Bắc Cực, ghi nhận nhiệt độ cao chưa từng thấy là 25 độ C vào tháng 5.

Các nhà nghiên cứu dự đoán, vào đến 1/2080, nhiệt độ trung bình ở Bắc Cực có thể tăng hơn 9 độ C.

Ngoài ra, hiện tượng các "đám cháy zombie" xuất hiện từ muội than và khói tàn dư của các đám cháy khác từ mùa hè năm ngoái, khi thời tiết quá khô và nóng. 

Các "đám cháy zombie" cũng di chuyển đến các địa điểm mới, những nơi trước đây chúng chưa từng cháy đến do thời tiết lạnh và ẩm ướt. Được phát hiện lần đầu ở Alaska (Mỹ), hiện tượng “cháy zombie” này ngày càng tiến gần hơn về Bắc Cực qua từng năm.

Nhiệt độ tăng làm khiến 600 tỷ tấn băng tan chảy, chiếm khoảng 40% tổng mực nước biển dâng trong năm 2019. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Mark Parrington, nhà nghiên cứu khoa học tại cơ quan Dịch vụ Giám sát khí quyển EU Copernicus cho biết, bề mặt ấm hơn và khô hơn chính là môi trường lý tưởng cho các đám cháy bùng lên và kéo dài.

Ông Parrington nói thêm: "Chúng ta có thể thấy hiệu ứng tích lũy của mùa cháy năm ngoái ở Bắc Cực, khi các đám cháy bùng phát lại vào mùa tiếp theo và có thể dẫn đến các đám cháy quy mô lớn và dài hạn hơn trên cùng một khu vực".

Theo đó, các đám cháy ở Alaska (Mỹ) và Siberia (Nga) vào tháng 6/2019 ước tính đã thải 50 triệu tấn carbon dioxide vào khí quyển trong vòng 1 tháng, tương đương với lượng khí thải cả năm của Thụy Điển.

Các nhà nghiên cứu khí hậu cho biết thêm, một khu vực lớp gấp khoảng 100.000 lần diện tích sân bóng đá đã bốc cháy. Thêm vào đó, nhiệt độ trung bình ở đảo Greenland (Đan Mạch) đã tăng tốc độ tan chảy của dải băng dày hàng km. Ít nhất 600 tỷ tấn băng tan chảy, chiếm khoảng 40% tổng mực nước biển dâng trong năm 2019.

Cháy rừng ở Alaska. Năm 2019, 400 vụ cháy rừng đã bùng phát chỉ trong tháng 7. Nhiệt độ ở vùng đất cận cực này lên đến 32,2 độ C - phá vỡ kỷ lục từng được ghi nhận là 30 độ C.

Loài người đến gần thảm họa diệt vong

Các nhà khoa học thế giới khẳng định rằng tình trạng hiện nay ở Bắc Cực là một vòng luẩn quẩn. Khi băng tan chảy, Bắc Cực nóng lên tạo ra nhiều đám cháy. Các đám cháy thiêu hủy nhiều cánh rừng và than bùn, giải phóng nhiều khí metan và carbon dioxide vào không khí. Điều này lại góp phần làm hành tinh nóng lên và băng lại tiếp tục tan chảy. Và loài người đang phải đối diện với những nguy cơ khủng khiếp.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), tổng vụ cháy và mức độ ảnh hưởng trong mùa hè 2019 tại các vùng thuộc Bắc Cực là nhiều nhất trong vòng 16 năm qua. Các nhà khoa học phát hiện khoảng 250-300 đám cháy ở khu vực Vòng Cực mỗi ngày, cao gấp 4-5 lần so với năm 2018.

Cháy rừng ở vùng cực liên tiếp xảy ra. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Mùa hè năm 2019 chứng kiến hơn 100 vụ cháy rừng ở khu vực từ Siberia đến Alaska, với cường độ và thời gian kéo dài chưa từng có.

Trong tháng 6/2019, có hơn 100 vụ cháy dữ dội trên những cánh rừng Taiga, các nhà khí hậu học và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) xác nhận đây là vụ hỏa hoạn “chưa từng có” trong lịch sử.

Tại Alaska, hơn 400 vụ cháy rừng đã bùng phát chỉ trong tháng 7/2019. Nhiệt độ ở khu vực cận cực Bắc này lên đến 32,2 độ C - phá vỡ kỷ lục từng được ghi nhận tại đây.

Tại Canada, hơn 3.000 vụ cháy rừng được báo cáo, thiêu cháy hơn 1,8 triệu ha rừng.

Các đám cháy này không chỉ đe dọa đến Bắc Cực, mà còn gây ra những nguy cơ toàn cầu.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, đất than bùn ở bán cầu Bắc lưu trữ nhiều carbon hơn tất cả các khu rừng nhiệt đới trên thế giới cộng lại. Nếu chúng bị đốt cháy, lượng carbon dioxide khổng lồ thải vào khí quyển sẽ ngay lập tức khiến mọi nỗ lực kiểm soát khí thải trở nên vô ích.

Carbon đen giải phóng từ các đám cháy cũng làm cho những lớp băng trở nên tối màu hơn và do đó hấp thụ nhiều năng lượng nhiệt hơn, tan nhanh hơn. Nếu dải băng ở Greenland tan chảy hoàn toàn, mực nước biển toàn cầu sẽ tăng khoảng 7m.

Các vụ cháy xảy ra tại nhiều khu vực Cực Bắc trong năm 2019. (Ảnh: NASA)

Khói từ các đám cháy Bắc Cực cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Mặc dù các vụ cháy rừng ở Alaska và Siberia xảy ra ở vùng sâu vùng xa, nhưng khói từ đám cháy đã xâm nhập vào các khu vực đông dân ở Nga. Khi người dân hít phải đám khói này có thể gây ra một loạt tác động tới sức khỏe, như bị cay mắt đến chảy nước mũi, bệnh phổi và tim.

Ngoài ra, các đám cháy khiến nhiều chất vô cơ, đặc biệt là nitơ, rò rỉ vào hệ thống sông suối. Điều này dẫn đến sự thay đổi hóa học với dòng nước và gây ra các vấn đề như tăng phát sinh vi khuẩn gây hại cho con người, khi có nhiều người phụ thuộc vào các nguồn nước này để uống, sinh hoạt và đánh bắt cá.

Tháng 4/2020, các nhà khoa học đã công bố nghiên cứu việc nhiệt độ tăng làm tan chảy đất băng vĩnh cửu ở Bắc Cực có thể giải phóng các loại vi khuẩn nguy hiểm vốn đang "ngủ".

Những vi khuẩn và virus này có khả năng mang theo các căn bệnh mà nhân loại đã xóa sổ, cùng với những bệnh chết người khác mà nhân loại chưa từng gặp phải.

Trong tương lai gần, hiện tượng cháy rừng vào mùa hè ở Bắc Cực sẽ còn diễn ra phức tạp hơn khi Trái đất vẫn đang ấm lên. Thảm họa diệt vong của con người trong tương lai đang đến rất gần, nếu chúng ta không có ngay giải pháp.

Phương Anh (Nguồn: Metro, Mashable)

Tin mới