Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

'Bà trùm' Trung Quốc bí ẩn trong vụ án rửa Bitcoin lớn nhất lịch sử nước Anh

(VTC News) -

Người phụ nữ đứng sau vụ án rửa bitcoin lớn nhất lịch sử Anh Quốc với trị giá lên tới 4,3 tỷ USD, hiện vẫn đang bỏ trốn.

Giản Văn, 42 tuổi, nữ nhân viên tại một nhà hàng Trung Quốc ở Bắc London, Anh. Ít ai ngờ Giản Văn lại là tay cờ bạc cao cấp không tiếc tay chi hàng chục nghìn bảng cho đồ xa xỉ, thậm chí mua bất động sản trị giá hơn nửa triệu bảng ở Dubai.

Người phụ nữ này bị phát hiện tham gia vào đường dây rửa tiền bitcoin lớn nhất lịch sử nước Anh. Cảnh sát London khi thực hiện nhiệm vụ điều tra, đã tịch thu 61.000 bitcoin, hiện có giá trị khoảng 31 tỷ nhân dân tệ (4,3 tỷ USD).

Ngày 20/3, Giản Văn bị Tòa án Southwark Crown kết tội liên quan đến đường dây rửa tiền này sau cuộc điều tra về tiền điện tử kéo dài 5 năm.

Căn biệt thự đắt đỏ của "nữ nhân viên nhà hàng" Giản Văn. (Ảnh: Sky News)

Theo cáo trạng, Giản Văn di cư đến Anh vào năm 2007 sau khi kết hôn với một người đàn ông Anh. Giản Văn đã lọt vào tầm ngắm của các nhà điều tra sau khi cô cố gắng mua một số bất động sản ở London trong khoảng thời gian năm 2017 - 2018, trong đó có một bất động sản trị giá tới 23,5 triệu bảng Anh (29,6 triệu USD).

Chính việc quan tâm đến các bất động sản đắt đỏ này đã dấy lên câu hỏi về nguồn gốc số tiền của người phụ nữ, dẫn đến cuộc điều tra và cáo buộc rửa tiền. Giản Văn sẽ bị tuyên án vào ngày 10/5.

Tuy nhiên, sự sụp đổ của Giản Văn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong một vụ rửa Bitcoin lớn hơn được điều hành từ Trung Quốc bởi một nghi phạm được gọi là "Hua Hua", người vẫn đang bỏ trốn, theo các tài liệu của tòa án.

Giản Văn ban đầu làm trợ lý riêng cho Hua Hua ở Anh, trước khi chuyển sang giúp người này rửa tiền bất hợp pháp từ Trung Quốc năm 2017. Hành động được thực hiện bằng cách chuyển Bitcoin qua biên giới, sau đó chuyển đổi thành tiền mặt và tài sản đắt tiền.

Trả lời trước tòa về mối quan hệ của mình với Hua Hua, Giản Văn nói rằng cô không biết số tiền đó có nguồn gốc bất hợp pháp và bản thân cũng là nạn nhân của người phụ nữ kia. "Tôi đã bị lợi dụng", cô nói, lưu ý rằng cô không thực sự sở hữu bất kỳ món đồ xa xỉ nào mà mình mua và chỉ là "người vận chuyển".

Huy động vốn bất hợp pháp

Theo hãng tin tài chính Caixin, các nguồn tin thân cận cho biết vụ án của Giản Văn liên quan đến hoạt động huy động vốn bất hợp pháp được dàn dựng bởi Công ty TNHH Công nghệ Điện tử Lantian Gerui Thiên Tân. Công ty này đã huy động trái phép 43,5 tỷ nhân dân tệ (6,01 tỷ USD), khiến hơn 100.000 người dân Trung Quốc trở thành nạn nhân.

Công ty Trung Quốc này thực chất do Hua Hua điều hành, tên thật là Tiền Trí Mẫn (Qián Zhì Mín), 45 tuổi.

Chủ mưu vụ lừa đảo Tiền Trí Mẫn (trái) hiện vẫn chưa bị bắt, và Giản Văn (phải) bị buộc tội rửa tiền. (Ảnh: Cơ quan truy tố Vương quốc Anh)

Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, công ty Gerui được thành lập vào năm 2014 tại thành phố Thiên Tân, miền bắc Trung Quốc. Công ty cung cấp các sản phẩm điện tử và dịch vụ internet.

Trong khoảng thời gian từ 2014 - 2017, dưới vỏ bọc của một công ty công nghệ, Gerui đã giới thiệu nhiều sản phẩm quản lý tài sản, được quảng cáo là không rủi ro và mang lại lợi nhuận cao để thu hút nhà đầu tư.

Caixin thu thập được tài liệu tiếp thị cho thấy các sản phẩm này yêu cầu nhà đầu tư phải khóa tiền trong thời gian từ 6 tháng đến 2 năm rưỡi, với số tiền góp tối thiểu là 6.000 nhân dân tệ (hơn 820 USD). Lãi suất được quảng cáo từ 100% đến 300%.

Trí Mẫn rất bí ẩn. Ngay cả trong công ty Gerui, nhiều người còn không biết tên thật của cô. Người này cũng không nêu tên mình trong tất cả các giấy tờ đăng ký kinh doanh, mà thuê nhiều người để đứng tên giấy tờ. Nhậm Giang Đào, cổ đông duy nhất của Gerui, là một trong số họ.

Giang Đào nói rằng Trí Mẫn là người xử lý các sản phẩm quản lý tài sản được hỗ trợ bởi tiền điện tử, bao gồm cả sản phẩm do Gerui Electronic cung cấp và quản lý lợi nhuận bất hợp pháp từ các sản phẩm này, theo báo cáo được công bố vào năm 2020 bởi một tòa án ở tỉnh Hà Bắc, phía Bắc Trung Quốc.

Để củng cố cho chiến dịch marketing của mình, Trí Mẫn đã thành lập một công ty tại Quần đảo Cayman, một lãnh thổ hải ngoại của Anh, vào năm 2017.

Công ty này cung cấp các sản phẩm bảo hiểm tiền điện tử với lãi suất hứa hẹn lên tới 100% mỗi năm, nhưng thực chất lại là một công ty "ngụy trang" không có giấy phép kinh doanh bảo hiểm nào. Tất cả các sản phẩm được bán thông qua mảng bảo hiểm của Trí Mẫn về cơ bản đều là các sản phẩm của công ty Gerui.

Hoạt động này diễn ra trong ba năm cho đến năm 2017, khi các cơ quan quản lý Trung Quốc bắt đầu quan tâm đến các vụ lừa đảo tiền điện tử trong làn sóng phát hành tiền xu lần đầu (ICO) lan rộng khắp Trung Quốc. Vào tháng 9 năm đó, các nhà quản lý Trung Quốc đã chính thức cấm tất cả các ICO.

Di cư

Tháng 7/2017, công ty Gerui tạm dừng trả cổ tức cho các nhà đầu tư tham gia sản phẩm quản lý tài sản, viện lý do cần nâng cấp hệ thống quản lý tài chính. Trong khi đó, bà Tiền Trí Mẫn đã hoàn tất thủ tục đầu tư định cư ở Anh, lấy một danh tính mới và lên kế hoạch rời Trung Quốc.

Theo cảnh sát London, tháng 9/2017, Trí Mẫn đến London bằng hộ chiếu từ Liên bang Saint Kitts và Nevis ở Caribbean. Hộ chiếu này được cấp dưới tên Trương Nhã Địch (Zhang Yadi) cùng các thông tin khác với thông tin thật của Trí Mẫn.

Tấm hộ chiếu và thông tin nhập tịch Liên bang Saint Kitts và Nevis của Tiền Trí Mẫn. (Ảnh: Baidu) 

Quốc đảo này cho phép nhập tịch kép, tạo điều kiện cho người nước ngoài đầu tư ít nhất 250.000 USD vào đất nước để xin quốc tịch. Người sở hữu hộ chiếu Saint Kitts và Nevis có thể nhập cảnh miễn visa vào hơn 150 quốc gia, bao gồm cả Vương quốc Anh.

Thủ tướng Terrance Drew của Saint Kitts và Nevis cho biết tại một cuộc họp báo vào ngày 8/3 rằng, quốc đảo này đã hủy bỏ hộ chiếu của Tiền Trí Mẫn sau khi biết nó nó liên quan đến các vụ việc hình sự.

Bản án của tòa án Hà Bắc cho thấy Trí Mẫn đã có kế hoạch chuyển tài sản sang Anh từ năm 2015. Đến cuối năm 2017, cảnh sát Thiên Tân mở cuộc điều tra Gerui vì nghi ngờ huy động vốn trái phép. Cuộc điều tra dẫn đến việc bắt giữ 50 người vào năm 2019.

Theo tuyên bố được công bố vào tháng 6/2023 bởi Hãng luật Bắc Kinh Ze Tian - đơn vị tham gia bào chữa cho Tổng Giám đốc Gerui là Ngô Hiểu Long), công ty này đã huy động trái phép 43,5 tỷ nhân dân tệ.

Dựa trên phân tích của công ty nghiên cứu tiền điện tử Elliptic Enterprises và giá thị trường của Bitcoin vào đầu năm 2017, ước tính có ít nhất khoảng 500 triệu nhân dân tệ (69,1 triệu USD) được chuyển ra nước ngoài thông qua tiền điện tử vào thời điểm đó.

Giá trị của 61.000 Bitcoin hiện đã bị tịch thu đã tăng vọt lên khoảng 31 tỷ nhân dân tệ.

Nỗ lực thu hồi tài sản

Trong hai năm qua, cảnh sát địa phương khắp Trung Quốc đã bắt đầu nỗ lực trả lại tiền cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, một nhà đầu tư đăng ký nhận tiền hoàn trả chia sẻ với Caixin rằng anh ta có thể chỉ nhận lại được chưa đến 10% số tiền đầu tư ban đầu.

61.000 bitcoin liên quan tới vụ án đã được Cơ quan Công tố Vương quốc Anh đóng băng. (Ảnh: Reuters)

Andrew Penhale, trưởng công tố viên Vương quốc Anh, cho biết trong một tuyên bố ngày 20/3 rằng Cơ quan Công tố Vương quốc Anh đã nhận được lệnh đóng băng 61.000 bitcoin.

Theo luật pháp Vương quốc Anh, trong trường hợp lợi ích hình sự vẫn chưa được xác nhận, một nửa sẽ được tài trợ cho việc thực thi pháp luật thông qua chương trình của Bộ Nội vụ. Phần còn lại thuộc về cảnh sát.

Một luật sư có kinh nghiệm giải quyết việc thu hồi tiền bất hợp pháp ở nước ngoài cho biết: "Vụ việc cho thấy các quốc gia nên tăng cường hợp tác xuyên biên giới giữa các cơ quan thực thi pháp luật đối với các tội phạm như gian lận huy động vốn và rửa tiền".

Ông chỉ ra rằng hành vi phạm tội ban đầu diễn ra ở Trung Quốc, mặc dù tài sản bị tịch thu ở Anh. “Sẽ là không công bằng nếu số tiền này không được trả lại cho các nhà đầu tư Trung Quốc”.

Các luật sư khác mà Caixin trao đổi cho rằng việc thu hồi dân sự có thể là con đường hiệu quả hơn để đảm bảo nguồn vốn cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, một số người cho rằng đây có thể là một con đường khó khăn vì vụ án đã bị xét xử trên cơ sở hình sự.

Theo hiệp ước được Trung Quốc và Vương quốc Anh ký kết vào năm 2013 về tương trợ tư pháp lẫn nhau trong các vấn đề hình sự, bên được yêu cầu sở hữu tài sản bị tịch thu có thể trả lại hoặc chia sẻ những tài sản đó (hoặc lợi nhuận từ việc bán các tài sản đó) với bên yêu cầu. Nhưng hai bên phải đạt được thỏa thuận trước.

Cảnh sát London cho biết họ đã nhận được yêu cầu từ chính quyền Trung Quốc liên quan đến việc "thu xếp" 61.000 bitcoin bị tịch thu.

Hoàng Ngân (Nguồn: Thinkchina)

Tin mới