Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Bão' lạm phát càn quét toàn cầu, kinh tế Việt Nam đối mặt thế nào?

(VTC News) -

Các chuyên gia phân tích mọi góc cạnh về cơn bão giá đang càn quét toàn cầu trong chương trình Bình luận của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC sáng 29/6.

Lạm phát đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, từ châu Á tới châu Âu, từ châu Mỹ tới châu Mỹ hay châu Úc. Nơi đâu người tiêu dùng cũng choáng váng khi túi tiền bốc hơi, buộc họ phải thắt lưng buộc bụng.

Việt Nam chịu tác động thế nào?

"Tại Việt Nam, lạm phát đang ảnh hưởng đến từng con người, từng hộ gia đình, không phân biệt vùng miền nào", chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh. Không chỉ đời sống dân sinh mà cả đầu tư công và cuối cùng là tổng cầu đều chịu ảnh hưởng của lạm phát, bão giá. Rất nhiều dự án đầu tư công hiện nay phải tạm dừng do chưa đạt được thỏa thuận giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công về vấn đề làm thế nào để điều chỉnh do biến động về giá.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng phân tích, kinh tế của Việt Nam là kinh tế mở, phụ thuộc rất nhiều từ bên ngoài, trong đó hơn 37% nguyên vật liệu đầu vào từ nhập khẩu. Giá cả nguyên liệu toàn cầu 3 tháng đầu năm tăng 50%, một số mặt hàng khác như năng lượng tăng đến 90% đã không chỉ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng CPI mà còn khiến chỉ số giá sản xuất cũng tăng cao, rồi quay vòng dội lên chỉ số CPI.

Toàn cảnh chương trình bình luận về lạm phát toàn cầu do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức sáng 29/6.

TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh mối lo vẫn đang ở phía trước. "Năm 2022, sự phục hồi lớn nhất là tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ, giúp chúng ta kỳ vọng sẽ kéo theo phục hồi sản xuất kinh doanh, đạt được tốc độ tăng trưởng 6-6,5%. Nhưng tác động của lạm phát hiện nay khiến cho hành vi tiêu dùng, quy mô tiêu dùng, thậm chí kỳ vọng tiêu dùng bị ảnh hưởng theo hướng thu hẹp do biến động của tăng giá, kéo theo tốc độ tăng trưởng ảnh hưởng không chỉ cuối năm 2022, mà còn kéo dài sang cả năm 2023", ông Ánh nói. 

Tuy nhiên, ông Ánh tin rằng kinh tế Việt Nam không có độ suy thoái, bởi kinh tế của chúng ta trong 6 tháng đầu năm cũng có những gam màu sáng trong tăng trưởng kinh tế, trong đó có các gói hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là gói xây dựng cơ sở hạ tầng 130 nghìn tỷ đồng. Đây là động lực tăng trưởng trong thời gian tới, nó sẽ bù đắp tổng cầu từ tiêu dùng của các hộ gia đình bị suy giảm do áp lực giá cả.

Nhưng chúng ta cần phải khẩn trương hơn trong triển khai các chính sách, giải pháp bởi nếu chính sách tốt nhưng triển khai chậm thì nó không còn tốt nữa. Đồng thời phải có các gói đột phá trong các ngành, các lĩnh vực. Ví dụ, nếu nhập khẩu xăng dầu nhập khẩu theo giá thế giới thì thì nên triển khai cắt giảm ngay, thậm chí là miễn hoàn toàn thuế, phí. Ở một số quốc gia không chỉ miễn thuế, phí, mà còn hỗ trợ giá xăng dầu. “Không chỉ bàn, mà cần triển khai ngay vào thực tế để hạn chế tác động tiêu cực của biến động giá, ngăn chặn lạm phát”, ông Ánh nói.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh

Lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh? 

Câu hỏi này được mọi người tiêu dùng trên toàn cầu đặt ra nhưng hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng hiện rất khó để xác định lạm phát đã đạt đỉnh hay chưa. Ông Nguyễn Bích Lâm phân tích: Hồi tháng 3 năm nay, lạm phát ở Mỹ là 8,5%, đến tháng 4 giảm xuống còn 8,3%. Nhiều nhà kinh tế nghĩ rằng lạm phát đã đạt đỉnh ở 8,5% vào tháng 3. Nhưng đến tháng 6 lạm phát tại Mỹ lại bùng lên 8,6%. 

"Nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát ở châu Âu và các nước phát triển là khủng hoảng năng lượng và lương thực. 1/3 số quốc gia trong cộng đồng chung châu Âu đối diện lạm phát đang tăng đến 2 con số. Do đó, nếu không giải quyết được khủng hoảng năng lượng, lương thực thì lạm phát còn có thể được thiết lập đỉnh mới trong thời gian tới", ông Lâm dự đoán.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

TS, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng đồng tình với quan điểm trên. Để làm rõ hơn, ông Ánh phân tích, việc khủng hoảng năng lượng và lương thực còn diễn biến khó lường bởi lệnh cấm vận của các phe đối địch trong cuộc khủng hoảng địa chính trị.

Các trừng phạt về kinh tế còn tiếp tục leo thang làm cho các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng đứt gãy rất nhiều. Như vậy thì chúng ta khó có thể xác định lạm phát đã đạt đỉnh hay chưa. Tôi có cảm nhận rằng, lạm phát sẽ còn tiếp tục tăng, tiếp tục xác lập đỉnh mới chứ không chỉ dừng lại như hiện nay”, ông Ánh nói.

Ông Ánh dự đoán, lạm phát sẽ không chỉ dừng lại trong năm 2022, mà còn kéo dài và nguy hại hơn trong năm 2023. Gắn với một yếu tố rất quan trọng đó là suy thoái.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh lạm phát đang không chừa bất kể quốc gia nào, thậm chí hoành hành mạnh mẽ ở các nền kinh tế tiên tiến nhất. Đơn cử như Mỹ, nền kinh tế chiếm khoảng gần 1/5 GDP toàn cầu, có truyền thống hàng chục năm nay lạm phát chỉ dao động 2-3%. Mức lạm phát tăng vọt, tiệm cận 9% như vừa qua là mức lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm nay.

Hay như với Đức, một nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng như khu vực đồng Euro, cũng đạt đến mức lạm phát 7,9%, cao nhất trong vòng 50 năm trở lại đây.

Cả khu vực đồng Euro gồm 18 quốc gia cũng đạt mức lạm phát 8,1%, mức cao lịch sử kể từ khi đồng Euro ra đời.

Nguyên nhân lạm phát cao nhất lịch sử

Các chuyên gia phân tích, nền kinh tế thế giới sau khi trải qua đại dịch COVID-19 vào năm 2020 thì sang năm 2021 sau khi có vaccine, các nước bắt đầu dùng các chính sách tài khóa về tiền tệ mở rộng để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi lại nền kinh tế. Cũng trong năm này tổng cầu tăng rất mạnh, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến lạm phát. 

Đặc biệt, trong bối cảnh tổng cầu tăng đột biến thì chuỗi cung ứng lại bị đứt gãy, làm cho giá cả nguyên vật liệu đầu vào và cả hàng hóa đều tăng.

Tôi cho rằng, đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ là nguyên nhân dai dẳng, khó có thể xử lý một sớm một chiều”, ông Lâm nói.

Nguyên nhân thứ 3 là do bất ổn về địa chính trị. Cuộc đụng độ Nga - Ukraine đã làm trầm trọng hơn đứt gãy chuỗi cung ứng và làm cho giá cả một loạt hàng hóa, nguyên vật liệu tăng đột biến. Ngoài ra là các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga - nước cung cấp đến 40% khí đốt, trên 20% dầu cho châu Âu đã đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng năng lượng.

Nguyên nhân thứ tư là do biến đổi khí hậu,  làm sâu sắc hơn khủng hoảng năng lượng và lương thực. 

Khí hậu biến đổi rất khó lường. Chẳng hạn như ngay trong mùa hè này, ở Pháp và Tây Ban Nha nóng kỷ lục. Ở Việt Nam cũng vừa trải qua đợt nắng nóng kỷ lục và còn được dự báo rằng trong tháng 7 lại nóng tiếp. Năm ngoái toàn cầu cũng vừa trải qua một mùa đông khắc nghiệt kỷ lục. Người ta cũng dự báo biến đổi khí hậu mùa đông năm nay cũng sẽ khắc nghiệt”.

Giá cả leo thang trên khắp nơi trên thế giới. (Ảnh: TTXVN)

Đồng tình với những phân tích này nhưng chuyên gia Vũ Đình Ánh bổ sung thêm: Khi FED nâng lãi suất rất mạnh, tạo hiệu ứng USD lên giá. Trong bối cảnh gần như tất cả hàng hóa trên thế giới đều được định giá bằng USD, khi tỷ giá hối đoái đồng bản tệ của các nước bị mất giá so với USD thì lạm phát ở các nước đang phát triển, ở những nền kinh tế mới nổi thậm chí còn bị khuếch đại, đặc biệt là ở những nước có đồng tiền yếu.

Đây cũng là một vấn đề rất đáng lo ngại cho nhóm nước đang phát triển khi họ rất ít nguồn lực, biện pháp đều thiếu hụt.

Công Hiếu - Phạm Duy

Tin mới