Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 khép lại với vòng nguyệt quế thuộc về nữ sinh Nguyễn Thị Thu Hằng, học sinh lớp 12B1, trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình. Thu Hằng có phong độ thi đấu ổn định và bứt phá ở các vòng thi.
Đây cũng là thí sinh nữ vô địch Olympia sau 9 năm các thí sinh nam "thống trị". Trước Thu Hằng, Đường lên đỉnh Olympa có ba nữ quán quân xuất sắc.
Trần Ngọc Minh - Người đầu tiên vô địch
Năm 2000, Trần Ngọc Minh, cựu học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long là người đầu tiên bước lên bục chiến thắng của chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 1.
Trần Ngọc Minh giành vòng nguyệt quế đường lên đỉnh Olympia thứ 1 (năm 2000). (Ảnh: VTV)
Sau chiến thắng, Ngọc Minh lên đường du học tại Đại học Kỹ thuật Swinbunre, Australia. Tốt nghiệp đại học với kết quả thuộc top 5% xuất sắc, Ngọc Minh được trao học bổng từ cử nhân lên tiến sĩ. Tháng 7/2013, cô làm việc cho một công ty nhà mạng di động hàng đầu tại xứ sở chuột túi.
Cũng trong năm 2013, Ngọc Minh lập gia đình sau khi mọi công việc và học tập đã ổn định. Tuy nhiên cuộc sống của cô không được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông.
Lương Phương Thảo - Về nước sau khi du học
Năm 2003, cô gái Lương Phương Thảo đến từ trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long hạ gục 3 thí sinh nam để giành vòng nguyệt quế Olympia năm thứ 3.
Lương Phương Thảo, quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2003. (Ảnh: VTV)
Kết thúc cuộc thi, cô quyết định lên đường sang Australia du học. Tuy nhiên, thay vì học tại Đại học Kỹ thuật Swinburne như những nhà vô địch khác, cô chọn Đại học Monash để phát triển bản thân với chuyên ngành Kinh doanh quốc tế và Marketing.
Sau khi lấy bằng thạc sĩ, cô quyết định từ Melburne trở về Việt Nam làm việc cho một công ty của Mỹ tại TP.HCM. Thông tin này gây chú ý vào năm 2016. Đến nay, Phương Thảo vẫn là nhà vô địch Olympia duy nhất chọn trở về nước lập nghiệp sau thời gian học tập ở nước ngoài.
Phạm Thị Ngọc Oanh- Quán quân mùa thứ 11
Phạm Thị Ngọc Oanh (THPT Tiên Lãng, Hải Phòng) là cô gái thứ 3 trở thành nhà vô địch Olympia vào năm 11, tức là 8 năm sau thành công của Phương Thảo mọi người mới được chứng kiến sự lên ngôi của nhà vô địch là nữ. Ngọc Anh bứt phá trong phần thi Về đích mang về số điểm 230.
Sau khi tốt nghiệp ngành Thương mại Kế toán và Tài chính của Đại học Kỹ thuật Swinburne, Ngọc Oanh ở lại Australia làm việc. Trong quá trình học tập, cô đạt thành tích học tập đáng tự hào khi xuất sắc đậu cấp độ 3 chương trình CFA danh giá ở Australia.
Phạm Thị Ngọc Oanh, Quán quân đường lên đỉnh Olympia năm thứ 11 (năm 2011). (Ảnh: VTV)
Cô từng chia sẻ mong muốn được làm việc ở Melboune, Australia trong vòng 2 năm và dự kiến sẽ xin học bổng học thạc sĩ tại Mỹ.