Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bà nội cứu sống cháu gái 15 tuổi bị ung thư gan

Dù bà và cháu không cùng nhóm máu, các bác sĩ Bệnh viện 108 vẫn có thể tiến hành ghép gan, cứu nữ bệnh nhân 15 tuổi ung thư gan.

Bệnh nhân nữ 15 tuổi, quê Quảng Bình, phát hiện xơ gan cách đây 6 năm không rõ căn nguyên. Gần đây đi khám, nữ sinh này phát hiện ung thư gan.

PGS.TS Lê Văn Thành, Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho biết, với bệnh nhi này, phẫu thuật cắt u không khả thi vì chức năng gan của bé kém do xơ gan, lách to. Ghép gan là phương án tốt nhất.

Đáng nói, bà nội và bé gái lại không cùng nhóm máu (bất đồng nhóm máu ABO), đòi hỏi cách điều trị khác với các trường hợp cùng nhóm máu. 

Ca ghép được tiến hành trong 8 tiếng, sau mổ 1 tuần sức khỏe người hiến, người ghép ổn định.

Tiến sĩ Thành chia sẻ trước ghép 3 tuần, bệnh nhân được đánh giá hiệu giá kháng thể nhóm máu của người hiến, sau đó điều chỉnh hiệu giá kháng thể, điều trị giải mẫn cảm. Khi nồng độ kháng thể nhóm máu của người hiến được đưa xuống 1/16, ca ghép có thể tiến hành.

Ngày 30/10, ca phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan phải của bà nội để ghép cho cháu gái được tiến hành. Ca mổ kéo dài 8 giờ đồng hồ. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản ngay tại phòng mổ. 

Một tuần sau ca lấy - ghép, bà nội được ra viện trong tình trạng ổn định, còn cháu gái phục hồi tốt, chức năng gan ghép hoạt động bình thường, vận động nhanh nhẹn. 

Chiều 24/11, tại cuộc gặp mặt báo chí Hội thảo khoa học thành tựu 200 ca ghép gan tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ đánh giá việc lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép gan bất đồng nhóm máu cho trẻ lớn này là "thành tựu ấn tượng".

Tại Việt Nam, ghép tạng từ nguồn cho bất đồng nhóm máu ABO đã được thực hiện trên bệnh nhân ghép thận và trên nhóm ghép gan ở trẻ nhỏ, tuy nhiên chưa được thực hiện trong ghép gan ở người trưởng thành. Việc triển khai ghép gan bất đồng nhóm máu giúp tăng cơ hội sống cho người cần được ghép gan, trong bối cảnh nhu cầu được ghép gan ngày càng tăng nhưng nguồn gan hiến hạn chế.

Mỗi năm, khoảng 50 ca ghép gan được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thậm chí có những ngày có thể thực hiện 2 ca. Bệnh viện đặt mục tiêu tới đây nâng con số này lên 100 - 150 ca/mỗi năm.  

Được biết, chi phí một ca ghép gan tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hiện khoảng 1,3 tỷ đồng, so với mức khoảng 8 tỷ đồng tại Singapore, chi phí này được đánh giá là rẻ.

Hiện nay, cả nước có 9 trung tâm ghép gan, thực hiện ghép cho hơn 500 bệnh nhân. Riêng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công 200 ca, trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất toàn quốc. Bệnh viện cũng làm chủ được kỹ thuật ghép gan từ người cho sống, đây là kỹ thuật ghép gan khó và phức tạp hơn rất nhiều so với ghép gan từ người hiến chết não.

5 năm qua, Bệnh viện đã ghép được 8/11 loại mô tạng với trên 700 ca ghép (thận, gan, phổi, giác mạc, tế bào gốc, tủy, chi thể…). Các ca ghép được thực hiện với tỉ lệ thành công và thời gian sống sau ghép tương đương các nước tiên tiến.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới