Tại kỳ họp thứ 24 của HĐND TP.HCM khoá 9 diễn ra sáng nay (23/3), Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết, trong quý 1/2021, thành phố sẽ hoàn tất hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060.
Theo ông Nhã việc điều chỉnh quy hoạch đã trình Ban Thường vụ Thành uỷ và Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM thông qua. Trong quý 1/2021, UBND TP.HCM sẽ hoàn tất hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM và quý 2/2021 sẽ trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt theo quy định.
Toàn cảnh kỳ họp.
Với việc điều chỉnh quy hoạch, tầm nhìn phát triển thì đến năm 2060 TP.HCM sẽ là vùng đô thị lớn, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế của Việt Nam; trung tâm dịch vụ của châu Á- Thái Bình Dương; là thành phố có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; có tính đa dạng văn hoá, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước…
Theo quy hoạch thì mục tiêu đến năm 2040, TP.HCM sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối với các địa phương lân cận; kết nối giữa các khu vực khác nhau của TP.HCM; phát triển không gian đô thị thành phố thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển đô thị tích hợp với hệ thống giao thông công cộng, định hướng phát triển đô thị mật độ cao, cân bằng phát triển giữa mở rộng đô thị và tái phát triển các khu đô thị hiện hữu…
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã đóng góp các ý kiến về đề án điều chỉnh quy hoạch. Trong đó, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân đề nghị cần phải hướng tới các mục tiêu lớn, cần có định hướng chung về quan điểm là TP.HCM sẽ ở đâu trong các đại đô thị của Đông Nam Á và châu Á….
Còn đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy quan tâm đến việc phải phát triển các lĩnh vực về văn hóa. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM quan tâm đến tính khả thi của việc điều chỉnh. Dẫn ví dụ về các quy hoạch mà TP.HCM tốn 20 - 30 năm mà không thể thực hiện được vì nhiều lý do như không thực tế, thiếu vốn, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng cần quan tâm đến “tính nhân dân”, tiếng nói của người dân, lợi ích của người dân… làm sao để người dân không bị khổ theo quy hoạch.
"Tôi muốn nhấn mạnh quan điểm là phải đi vào cuộc sống chứ không thể nằm trên dự án, quy hoạch. Tính khả thi phải được triển khai và có lộ trình bởi tầm nhìn đến 2060. 40 năm nữa mình quy hoạch mà nếu như người dân phải treo theo quy hoạch thì chúng ta hình dung nó khổ sở cỡ nào", bà Tâm nói.