Sáng 31/8, tại Trung tâm Báo chí (Sở TTTT TP.HCM), Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức toạ đàm Lực đẩy phát triển Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
3 lực đẩy Nghị quyết 98 mang lại cho TP.HCM
Phân tích khái niệm “lực đẩy”, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, qua một tháng rưỡi quán triệt thực hiện Nghị quyết 98, có thể nhìn nhận rõ 3 lực đẩy mà nghị quyết mang lại.
TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Thứ nhất: Nghị quyết 98 giúp TP.HCM làm tốt hơn những nhóm công việc mà trước đây đã làm tốt như chương trình kích cầu, mở ra các cơ chế cho các dự án kích cầu trước đây bị vướng các chính sách khi thực hiện.
Thứ hai: Nghị quyết 98 giúp TP.HCM thực hiện những nhóm việc đã có trong tính toán nhưng chưa có cơ chế thực hiện như thực hiện đầu tư bằng phương thức PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; phát triển TP Thủ Đức thành trung tâm đổi mới sáng tạo, tương tác cao…
"Mấu chốt là Nghị quyết 98 đã giải quyết những vướng mắc về con người, về bộ máy, đây là tiền đề để TP Thủ Đức và TP.HCM phát triển", ông Vũ nhận định.
Thứ ba: Nghị quyết 98 đã mở ra cho TP.HCM nhiều ý tưởng phát triển mới mà trước đây chưa nghĩ tới. Trước đây, ít ai nghĩ đến việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ, giao dịch tín chỉ carbon với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế để tạo nguồn thu ngân sách.
Từ khi có Nghị quyết 98, nhiều ý tưởng gửi về cho Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM về giao dịch tín chỉ carbon. Huyện Cần Giờ hiện nay trong định hướng phát các lĩnh vực cũng đã gắn với tín chỉ carbon này.
Tuy nhiên, TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng, chỉ Nghị quyết 98 là chưa đủ, để TP.HCM triển khai thực hiện loạt đường sắt đô thị trong vòng 20 năm nữa cần một cơ chế tài chính rất lớn mà riêng Nghị quyết 98 là chưa đủ. Do đó, song song với Nghị quyết 98, TP.HCM cần nhanh chóng khởi động đề án Trung tâm tài chính quốc tế để tạo nguồn lực mạnh mẽ hơn nữa.
Cần chú trọng giám sát, kiểm soát quyền lực, đặc biệt là người đứng đầu
Nêu ý kiến tại buổi tọa đàm, Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, đã dành thời gian nói về công tác cán bộ trong triển khai Nghị quyết 98.
Theo ông Lượng, hồn cốt của Nghị quyết 98 là phân cấp phân quyền cho các cấp các ngành (kể cả Trung ương giao quyền cho thành phố) nhưng bí quyết để thực hiện thành công phân cấp, phân quyền là thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao và khắc phục triệt để né tránh, sợ sai sợ trách nhiệm. Tức là phải thực hiện bằng được “6 dám”.
Do đó, thành phố chưa thể lường trước những vấn đề bất thường có thể xảy ra. Trong quá trình triển khai Nghị quyết 98, ngoài sự lạc quan, phấn khởi, đội ngũ thực thi sẽ còn sự lo lắng, băn khoăn về những khó khăn, phức tạp mới.
Theo Trung tướng, để làm được điều đó, phải đổi mới quyết liệt quan điểm đánh giá, lựa chọn, quy hoạch, điều chỉnh, sắp xếp đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cốt cán và người đứng đầu, chúng ta đều có thể đồng tình, đây là khâu then chốt quyết định.
"Chúng ta cần có nhiều biện pháp chú trọng nghiêm ngặt việc giám sát, kiểm soát quyền lực, đặc biệt là người đứng đầu. Kiểm soát quyền lực là vai trò của cấp ủy, người lãnh đạo cấp trên. Khi cấp dưới sai phạm, người đứng đầu cần chịu trách nhiệm chính trị", nguyên Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhấn mạnh.
Nhân lực có vai trò quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của TP.HCM
Tại tọa đàm, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM khẳng định, nguồn nhân lực có vai trò quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của TPHCM nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.
Nhân lực chất lượng cao chính là yếu tố then chốt, là điều kiện tiên quyết để Thành phố thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98
PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Thọ)
PGS-TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh, Đại học Quốc gia TP.HCM đóng trên địa bàn thành phố, do vậy mong muốn sẽ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Thành phố thông qua các hoạt động đào tạo nhân lực trình độ cao, nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và đổi mới sáng tạo.
"Các hoạt động trọng tâm tới năm 2030 là trực tiếp đóng góp cho sự phát triển của Thành phố bao gồm: Xây dựng và thực thi chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, nhất là trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, đang xây dựng đề án “Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành”, ông Quân nói.
Với mong muốn đồng hành, chia sẻ nguồn lực, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM khẳng định, đã xác định rất rõ nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia vào việc xây dựng và phát triển TP.HCM.