Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết, Ba Lan luôn sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tuyên bố trên được Tổng thống Duda đưa ra trong cuộc phỏng vấn với tờ Fakt hôm nay (22/4). Nhà lãnh đạo Ba Lan cũng nói vấn đề này đã được hai bên đưa ra thảo luận trong một thời gian dài.
"Tôi đã đề cập về vấn đề này nhiều lần. Ba Lan luôn sẵn sàng làm điều này", Tổng thống Duda nhấn mạnh.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. (Ảnh: Reuters)
Ông Duda cho rằng sở dĩ Ba Lan có lập trường như vậy là do Nga đang ngày càng "quân sự hóa” vùng Kaliningrad giáp Ba Lan và Litva, đồng thời cho biết thêm rằng Moscow cũng đã triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã công bố quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus - quốc gia đồng minh thân cận của Moskva. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Anh công bố việc cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine.
Tuy nhiên Tổng thống Duda lại cho rằng, nếu các đồng minh của Ba Lan quyết định triển khai vũ khí hạt nhân như một phần của việc chia sẻ hạt nhân trên lãnh thổ nước này như một phần của cam kết an ninh thì Warsaw luôn sẵn sàng.
Ông Duda cũng nhắc lại rằng với tư cách là thành viên NATO, Ba Lan có một số nghĩa vụ nhất định về thực hiện các hiệp ước an ninh chung của khối.
Phát biểu về vấn đề này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moskva coi kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, Anh và Pháp là “mối đe dọa đối với Liên bang Nga”, ông nói thêm rằng Nga đã tính đến thực tế này trong chính sách hạt nhân của mình.
Moskva đã nhiều lần tuyên bố rằng không bao giờ được phép xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân và nước này chưa bao giờ đe dọa sử dụng kho vũ khí nguyên tử của mình.
Hiện nay, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ vẫn được bố trí tại 6 căn cứ ở 5 quốc gia thành viên NATO gồm Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Anh và Pháp có lực lượng hạt nhân riêng nên không còn giữ vũ khí Mỹ.
Một báo cáo được Ủy ban An ninh và Quốc phòng thuộc Hội đồng Nghị viện NATO công bố năm 2019 cho thấy Mỹ đang lưu trữ hơn 150 vũ khí hạt nhân tại căn cứ Kleine Brogel ở Bỉ, Buchel ở Đức, Aviano và Ghedi-Torre ở Italy, Volkel (Hà Lan) và Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ).