Giống như cuộc tranh luận Tổng thống Mỹ tuần trước, chủ đề Trung Quốc tiếp tục được thảo luận trong cuộc đối đầu giữa 2 ứng viên Phó tổng thống.
"Phó Tổng thống Pence trước đó đã đề cập một phần của những gì ông ấy nghĩ là một thành tựu - cuộc chiến thương mại của Tổng thống với Trung Quốc. Nhưng các ông đã thua trong cuộc chiến thương mại đó. Các ông đã thua", bà Harris nhấn mạnh.
Ứng viên đảng Dân chủ cho biết 300.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất đã mất do cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc. Nông dân phải chịu thiệt hại nặng nề trong những năm gần đây và công việc sản xuất giảm dần.
"Quan điểm và cách tiếp cận của chính quyền Trump đối với Trung Quốc đã dẫn đến thiệt hại về tính mạng, việc làm của người Mỹ và vị thế của nước Mỹ", nữ chính trị gia cho hay.
Ứng viên Kamala Harris. (Ảnh: CNN)
"Thất bại trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc? Joe Biden thậm chí còn chưa bao giờ chiến đấu", Pence đáp trả.
Phó Tổng thống Mỹ khẳng định ông Biden là người cổ vũ cho Trung Quốc trong vài thập kỷ qua.
Theo Guardian, các số liệu mà bà Harris đưa ra gây hiểu nhầm bởi thực tế số việc làm trong ngành sản xuất tại Mỹ tăng lên dưới thời chính quyền Trump trước khi bị sụt giảm nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19.
Tháng 7/2018, Tổng thống Trump "khai hỏa" chiến tranh thương mại với Trung Quốc bằng việc áp thuế quan với 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trung Quốc cũng lập tức đáp trả bằng cách áp thuế 25% lên 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Kể từ đó tới nay, 2 bên tiếp tục áp thuế qua lại lẫn nhau.
Tới tháng 1, Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 để hạ nhiệt cuộc chiến thương mại.
Theo đó, Mỹ ngừng kế hoạch đánh thuế lên 155 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và giảm thuế suất đối với 120 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ 15% xuống còn 7,5%. Đổi lại, Trung Quốc cam kết mua thêm ít nhất 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm.
Tuy nhiên, Trung Quốc cho tới nay vẫn còn cách rất xa mục tiêu này.