Đó là những cuộc biểu dương sức mạnh, cho thế giới và nhân dân Xô viết biết, Liên Xô vẫn đứng vững và đủ sức tiêu diệt quân xâm lược.
Duyệt binh trên Quảng trường Đỏ
Ngày 7/11/1941, Liên Xô tổ chức duyệt binh kỷ niệm 24 năm Cách mạng XHCN tháng Mười Nga vĩ đại trên Quảng trường Đỏ. Quyết định tổ chức cuộc duyệt binh này được thông qua muộn, vào đêm 6/11/1941, dù kế hoạch đã được âm thầm chuẩn bị từ trước vào ngày 24/10.
Cuộc duyệt binh tại Moskva.
Lúc này, quân Đức chỉ cách trái tim của Liên Xô khoảng 70-100 km. Để ngăn quân Đức ném bom thủ đô vào ngày duyệt binh, từ nhiều ngày trước, máy bay Xô viết đã oanh tạc các sân bay của quân phát xít. Hệ thống phòng không của Thủ đô Moskva được đặt vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Cuộc duyệt binh được tiến hành vào lúc 8 giờ sáng, sớm hơn 2 giờ so với kế hoạch. Các ngôi sao Hồng Ngọc trên các đỉnh tháp điện Kremli được lệnh tắt đèn. Hệ thống nguỵ trang lăng Lênin được dỡ bỏ. Tổng tư lệnh Stalin và các vị lãnh đạo Liên Xô bước lên khán đài lăng.
Bữa đó, Moskva trời mù mịt, giá lạnh, tuyết phủ trắng Quảng trường Đỏ. Nguyên soái Budionyi chỉ huy cuộc duyệt binh. Sau lời phát biểu của Stalin, từng khối duyệt binh diễu qua Quảng trường Đỏ và từ đó, các chiến sĩ Hồng quân tiến thẳng ra mặt trận để bảo vệ Thủ đô Moskva. Trong số này có các chiến sĩ tình nguyện người Việt Nam và có những người đã nằm xuống trong cuộc chiến đấu sinh tử bảo vệ thủ đô Liên Xô.
Cuộc duyệt binh kéo dài chỉ vỏn vẹn 25 phút này nổi tiếng toàn thế giới. Radio Liên Xô truyền thanh trực tiếp ra toàn thế giới, như một thông điệp rằng Moskva vẫn đứng vững. Cuộc phản công từ ngày 7/11 80 năm trước của Hồng quân Liên Xô kéo dài hơn 1 tháng đã đẩy lùi được quân địch ra khỏi vùng ngoại ô Moskva.
Cuộc duyệt binh tại Moskva.
Đến nay, hằng năm vào ngày 7/11, trên Quảng trường Đỏ, chính quyền Moskva vẫn đều đặn tổ chức diễu binh để kỷ niệm cuộc duyệt binh oai hùng này, được truyền hình trực tiếp trên TV và các trang mạng.
Năm nay, do tình hình dịch bệnh phức tạp, Moskva giãn cách từ 28/10 đến hết 7/11 nên cuộc diễu binh kỷ niệm không thể tiến hành được. Thật đáng tiếc, nhất là vào dịp kỷ niệm 80 năm.
Duyệt binh tại "thủ đô thứ hai"
Nhưng, cực ít người biết rằng đúng ngày 7/11/1941 đó, ở Liên Xô còn tổ chức một cuộc duyệt binh hoành tráng hơn về số lượng người, vũ khí khí tài và thời gian diễn ra...
Đó là cuộc duyệt binh ở thành phố Kuybyshev (Quy-bư-sép), thường được gọi là "thủ đô thứ hai" của Liên Xô trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Thành phố này có tên cũ là Samara, và mang tên nhà cách mạng Kuybyshev từ năm 1935-1990. Sau 1990, thành phố đã lấy lại tên cũ Samara.
Phát xít Đức nổ súng xâm lược Liên Xô vào sáng 22/6/1941. Bốn tháng sau đó, theo quyết định của Chính phủ Liên Xô, các cơ quan đầu não, cơ quan ngoại giao, sứ quán các nước được lệnh chuyển xuống Kuybyshev, thành phố thuộc lưu vực sông Volga. Chỉ trong vòng 2 tuần, 22 đại sứ quán được di chuyển xuống đây. Cùng với họ là các nhà báo nước ngoài.
Cuộc duyệt binh ở thành phố Kuybyshev.
Trái với cuộc duyệt binh ở Moskva được giữ tuyệt đối bí mật đến phút chót, cuộc duyệt binh ở Kuybyshev được lãnh đạo Liên Xô ấn định từ trước. Nó sẽ là cuộc biểu dương sức mạnh của quân đội Xô viết trước các đại sứ, các nhà báo nước ngoài trong những ngày bỏng cháy của chiến tranh. Nó còn là đòn thị uy đối với Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ, 2 quốc gia cũng đang lăm le tấn công Liên Xô.
Chỉ huy cuộc duyệt binh là Trung tướng Maksim Purkaev và Thiếu tướng Aleksandr Pokrovsky. Cuộc duyệt binh được tiến hành trên Quảng trường Kuybyshev, quảng trường lớn nhất đất nước và cũng là lớn nhất châu Âu.
Trên lễ đài có các lãnh đạo Liên Xô, đứng đầu là Chủ tịch Xô viết tối cao Mikhail Kalinin. Lãnh đạo cao nhất của quân đội Xô viết là Nguyên soái Voroshilov.
Cuộc duyệt binh ở thành phố Kuybyshev.
Bên phải khán đài là đoàn ngoại giao của các nước Mỹ, Anh, Pháp, Afghanistan, Trung Quốc, Bỉ, Thụy Điển, Tiệp Khắc, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Iran, Na Uy, Ba Lan, Nam Tư, Nhật Bản, Canada, Úc, Cuba, Mexico, Mông Cổ, Tuva...
Cuộc duyệt binh diễn ra hoành tráng trong suốt một tiếng rưỡi, với sự tham gia hùng hậu của các sư đoàn bộ binh, 268 xe cơ giới và... 233 máy bay. Có 25.600 chiến sĩ tham gia duyệt binh. Ngay sau duyệt binh là cuộc tuần hành của 178.000 người.
Cuộc duyệt binh ở Kuybyshev ngày 7/11/1941 tuy không được sử sách nhắc đến nhiều như cuộc duyệt binh cùng ngày trên Quảng trường Đỏ, nhưng nó có ý nghĩa chính trị vô cùng lớn lao, khiến đại diện của 20 quốc gia phải sửng sốt ngạc nhiên trước tiềm lực quân sự của Liên Xô.
Trong những tháng đầu của cuộc chiến tranh, tiềm lực quân sự của đất nước Xô viết phải lớn lao thế nào mới có thể tự tin phô bày ngần ấy vũ khí, khí tài cho một cuộc duyệt binh. Cũng trong ngày đó, sứ quán các nước đã hỏi lãnh đạo Liên Xô tại sao ở hậu phương mà có những ngần ấy vũ khí, khí tài, tại sao chúng lại không ở ngoài mặt trận, thì nhận được câu trả lời: Đó mới chỉ là một phần dự trữ.
Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng sự biểu dương lực lượng "kinh khủng" đó đã phần nào làm chùn chân Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ, 2 quốc gia đang ngấp nghé ý định tấn công Liên Xô. Cuộc duyệt binh cho thấy quân đội Xô viết còn rất mạnh, với các vũ khí, khí tài hiện đại, đặc biệt là không quân, chứ không phải hoàn toàn bị hủy diệt sau những tháng đầu chiến tranh như quân Đức tuyên truyền.
Cuộc duyệt binh ở thành phố Kuybyshev.
Duyệt binh tại Voronezh
Và, ngạc nhiên chưa, vào ngày 7/11/1941 cũng có thêm một cuộc duyệt binh nữa được tổ chức tại thành phố Voronezh, biểu dương sức mạnh của quân đội mặt trận Đông-Nam. Dự lễ duyệt binh này có Nikita Khrushev và chỉ huy mặt trận Đông-Nam, Nguyên soái Timoshenko.
Ba cuộc duyệt binh đã diễn ra vào đúng ngày 7/11/1941, kỷ niệm 24 năm Cuộc cách mạng XHCN tháng Mười Nga vĩ đại. Đó là điều mà hậu thế sau này ít biết.
Đó là những cuộc biểu dương sức mạnh, cho thế giới và nhân dân Xô viết biết, Liên Xô vẫn đứng vững và đủ sức tiêu diệt quân xâm lược. Những cuộc duyệt binh oai hùng này phải chăng là sự tập dượt cho lễ duyệt binh mừng chiến thắng gần 4 năm sau đó, năm 1945?