Cơ quan báo chí của UAC cho biết: “Các hồ sơ liên quan đã được lập vào ngày 1/6 tại Cơ quan Đăng ký Pháp nhân Liên bang. Hội đồng quản trị UAC đã thông qua việc sáp nhập vào tháng 11/2021 và các cổ đông của ba công ty ủng hộ vào tháng 1/2022”.
Nhà máy lắp ráp máy bay của Sukhoi. (Ảnh: TASS)
"Việc tái cơ cấu được hoàn tất đã kết thúc một giai đoạn quan trọng trong quá trình chuyển đổi doanh nghiệp của UAC, đặc biệt là việc chuyển đổi từ hệ thống quản trị ba cấp sang hai cấp trong tập đoàn. Các thương hiệu Sukhoi và MiG, mạnh mẽ và nổi tiếng trên toàn thế giới, sẽ vẫn được sản xuất”, Giám đốc điều hành Rostec, Sergey Chemezov cho biết.
Trước đó, trang Russia Beyond cho biết, nhiều thập kỷ cạnh tranh thương mại giữa các công ty đã dẫn đến việc Giám đốc điều hành của Sukhoi Igor Ozar bị sa thải. Vị trí người đứng đầu công ty của ông đã được trao cho Giám đốc điều hành MiG, Ilya Tarasenko.
Dưới sự lãnh đạo của Ozar, Sukhoi đã ký và thực hiện các hợp đồng lớn về cung cấp máy bay ném bom Su-34 và máy bay chiến đấu đa năng Su-35. Công ty cũng đã hoàn thành dự án máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 và chuẩn bị sản xuất hàng loạt.
Ozar là người đứng đầu Sukhoi từ năm 2011 và đến năm 2017, công ty trở thành doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trong số các nhà sản xuất máy bay của Nga.
Năm 2018, doanh thu của Sukhoi đạt 114,5 tỷ rúp (khoảng 1,5 tỷ USD), tạo ra lợi nhuận ròng 4,08 tỷ rúp (khoảng 55 triệu USD). Trong khi đó, doanh thu của MIG trong năm 2018 là khoảng 89,5 tỷ rúp (tương đương 1,2 tỷ USD) và lợi nhuận ròng nó là khoảng 3,5 tỷ rúp (tương đương 50 triệu USD).
Máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm của Nga, Sukhoi Su-57.
Russia Beyond dẫn Cơ quan báo chí của UAC cho biết: “Việc củng cố năng lực nghiên cứu và sản xuất chính của ngành công nghiệp máy bay quân sự sẽ cho phép Nga triển khai hiệu quả hơn các chương trình hiện có và phát triển các dự án đầy hứa hẹn”.
“Nước Nga hiện đại không cần nhiều máy bay chiến đấu như thời Liên Xô. Vì vậy, một trong những lý do chính cho cuộc hợp nhất là sự cần thiết phải giảm chi tiêu của đất nước cho hàng không quân sự và biến các dự án hiện tại thành những dự án hấp dẫn về mặt thương mại đối với thị trường nước ngoài”, ông Litovkin cho biết thêm.
Mặc dù vậy, các chuyên gia Nga đánh giá sẽ không có thay đổi mạnh mẽ nào với ngành sản xuất hàng không quân sự của Nga.
“Công ty mới sẽ tập trung hoàn thiện các dự án hiện có (như máy bay không người lái 'Hunter', chiến đấu cơ Su-57 và MiG-35 và máy bay ném bom chiến lược PAK DA) và tiếp tục nghiên cứu một máy bay đánh chặn mới để thay thế MiG-31. Mục tiêu ngày nay là tăng doanh thu và mang đến cho khách hàng nước ngoài những lựa chọn hấp dẫn nhất trên thị trường hàng không quân sự. Họ sẽ tập trung vào thị trường hàng không Đông Nam Á và Mỹ Latinh”, ông Viktor Murahovsky, Tổng biên tập tạp chí "Homeland Arsenal" nhận định.