Những người yêu mến nữ văn sĩ Quỳnh Dao vẫn nhắc đến ba chuyện tình đẫm lệ, sóng gió của bà.
Tình đầu với thầy giáo hơn 25 tuổi
Khi học cấp ba, Quỳnh Dao là thiếu nữ hay u sầu, buồn bã. Bố là giảng viên đại học, mẹ đọc rộng biết nhiều, Quỳnh Dao gặp áp lực khi chỉ học khá các môn khoa học xã hội và yếu về khoa học tự nhiên.
Trong cuốn Câu chuyện của tôi, bà kể ở tuổi 18, bà gày gò, nhợt nhạt, biếng ăn và đầu óc hay đờ đẫn. Các bạn trong lớp gọi bà là Lâm Đại Ngọc (nhân vật trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng).
Cuộc sống, cảm xúc của Quỳnh Dao biến động khi bà xao xuyến trước thầy giáo dạy văn. Thầy hơn bà 25 tuổi, từng kết hôn nhưng vợ qua đời. Bà sùng bái người thầy học vấn uyên bác, dáng dấp nho nhã, thư sinh. Thầy giáo cũng cảm mến cô học trò tiều tụy. Hai tâm hồn cô độc xích lại gần nhau.
"Một khi tình yêu nảy nở thì sẽ không bị trói buộc bởi tuổi tác, thân phận, địa vị, đạo đức...Tôi cảm nhận thế gian với niềm hân hoan rằng mình không cô độc. Còn thầy đã trải qua thăng trầm trong đời, hiểu rõ mối tình sẽ chẳng đi đến đâu nhưng vẫn lạc trong sự cuốn hút lẫn nhau giữa chúng tôi. Thầy càng kháng cự thì càng không thể thoát ra. Tình yêu khiến chúng tôi giằng xé trong sự đau khổ", Quỳnh Dao viết.
Thời bấy giờ, khoảng cách 25 tuổi và việc thầy trò yêu nhau là chuyện động trời. Vì thế, chuyện tình của Quỳnh Dao bị bố mẹ phản đối kịch liệt. Mẹ bà tới trường trình bày sự việc. Sau đó, thầy giáo văn bị điều xuống làm việc ở nông thôn.
Bị chia cắt tình yêu, cùng lúc đó thi trượt đại học, Quỳnh Dao tìm đến cái chết nhưng may được phát hiện kịp thời. Sau đó, bà chấp nhận chia tay mối tình đầu. Thầy giáo của bà sau này cũng không kết hôn.
Quỳnh Dao cho biết cuộc tình ảnh hưởng tới cả cuộc đời bà. Bằng trải nghiệm tình yêu đầu đời, Quỳnh Dao viết tiểu thuyết đầu tiên - Song ngoại. Cuốn sách này đã được chuyển thể thành phim, trong đó, minh tinh Lâm Thanh Hà vào vai cô học trò yêu thầy giáo.
Video: Lâm Thanh Hà diễn cảnh yêu thầy giáo trong "Song ngoại"
Hôn nhân không hạnh phúc
Năm 21 tuổi, Quỳnh Dao quen Khánh Quân - thầy giáo dạy tiếng Anh lớn hơn bà sáu tuổi. Hai người kết hôn sau bảy tháng quen biết, bất chấp sự phản đối của gia đình Quỳnh Dao.
Đôi vợ chồng trẻ thi thoảng cãi vã vì thiếu tiền, và vì mối tình đầu của Quỳnh Dao. Khi bà mang bầu và sinh con, Khánh Quân công tác nước ngoài, Quỳnh Dao sống ở nhà mẹ đẻ. Khoảng thời gian đó, Khánh Quân viết thư hỏi vợ chu cấp tiền bạc, Quỳnh Dao đành viết lách thêm để gửi tiền cho chồng.
Khi con trai gần một tuổi, Khánh Quân về nhà, cũng ôm mộng văn chương nhưng không thể viết cuốn sách nào. Chán chường, ông lao vào cờ bạc.
Khi cuốn Song ngoại phát hành, Khánh Quân thấy xấu hổ vì chuyện tình của vợ công khai với thiên hạ, ông viết bài hạ thấp Quỳnh Dao trên báo, khiến nữ văn sĩ quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân kéo dài 5 năm.
Theo Ifeng, có thể thấy sự bi quan của Quỳnh Dao qua các tác phẩm bà viết thời kỳ này như Bên dòng nước, Yên vũ mông mông.
"Kẻ thứ ba" trong hôn nhân
Sau khi ly dị, Quỳnh Dao đăng nhiều tiểu thuyết ngắn trên tạp chí Hoàng Quán, được tổng biên tập Bình Hâm Đào đánh giá cao. Nhờ năng lực và các mối quan hệ, ông Bình Hâm Đào giúp Quỳnh Dao tiến xa hơn trong sự nghiệp, tiểu thuyết của bà cũng giúp Hoàng Quán tăng lượng phát hành.
Hai người nảy sinh tình cảm nhưng lúc bấy giờ, Bình Hâm Đào đã có vợ con. Hai người sống trong sự đau khổ, dằn vặt.
Quỳnh Dao không yêu cầu Bình Hâm Đào ly dị, mặt khác còn khen vợ của ông dịu dàng, tốt bụng. Vì muốn chấm dứt mọi chuyện, bà đính hôn với người khác, chuẩn bị định cư hải ngoại. Nhưng chính vì thế, Bình Hâm Đào quyết định ly hôn. Vợ của ông cũng muốn buông xuôi.
Mối tình tay ba chấm dứt sau tám năm. Quỳnh Dao và ông Bình Hâm Đào kết hôn năm 1979. Lúc bấy giờ, con trai của Quỳnh Dao với chồng cũ được 19 tuổi.
Quỳnh Dao và chồng sống hạnh phúc bên nhau đến hiện tại.
Quỳnh Dao sinh năm 1938, là nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng Trung Quốc. Ngoài bút danh Quỳnh Dao, bà từng sử dụng tên Phượng Hoàng, Tâm Như.
Quỳnh Dao được mệnh danh là bà hoàng của dòng tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc, với một loạt cuốn sách ăn khách như Song ngoại, Kỷ độ tịch dương hồng, Bên dòng nước, Mùa thu lá bay, Mỏi mắt ngóng trông, Yên vũ mông mông (Dòng sông ly biệt), Xóm vắng...Nhiều tác phẩm của bà được chuyển thể thành phim, làm nên tên tuổi của Lâm Thanh Hà, Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Tưởng Cần Cần...
Gần đây, Quỳnh Dao trở thành tâm điểm dư luận Đài Loan, Trung Quốc đại lục, khi công khai bức thư dặn dò con cháu sau khi bà mất. Trong thư, Quỳnh Dao ghi rõ bà không muốn mai táng theo bất kỳ nghi thức tôn giáo nào. Nữ văn sĩ dặn con không đăng cáo phó, không làm lễ truy điệu, không lập linh đường, không đốt vàng mã, không làm giỗ...