Theo đó, nếu giao dịch này thành công, Bà Dung sẽ giảm sở hữu tại PNJ còn 6,3 triệu cổ phiếu, tương đương 2,8% và không còn là cổ đông lớn. Tính theo giá đóng cửa cuối tuần của cổ phiếu PNJ là 97.300 đồng, bà Dung có thể thu về 486 tỷ.
Giao dịch này dự kiến thực hiện từ giữa tháng 12/2021 đến giữa tháng 1/2022, nên người đứng đầu PNJ vẫn nằm trong danh sách nhận cổ tức 6% bằng tiền mặt, tương đương khoảng khoảng 3 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn này, ông Cao Ngọc Duy, em trai bà Dung, đã đăng ký mua 4,5 triệu cổ phiếu với mục đích tương tự. Giao dịch dự kiến thực hiện bằng phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận và nếu thành công sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của ông Duy lên 6,7 triệu cổ phiếu, tương đương 2,9% cổ phần PNJ.
Nếu bán thành công 5 triệu cổ phiếu, bà Cao Thị Ngọc Dung sẽ không còn là cổ đông lớn của PNJ. Ảnh: PNJ.
Thị giá PNJ đang có xu hướng tăng trở lại sau chuỗi giảm mạnh kéo dài gần một tháng, từ vùng 110.000 đồng xuống 90.000 đồng. Thị giá hiện tại vẫn thấp hơn khuyến nghị của nhiều công ty chứng khoán, điển hình như BSC hồi cuối tháng 11 cho rằng giá mục tiêu của PNJ trong vòng một năm là 126.100 đồng nhờ mức nền thấp của năm 2021.
Trước đó, với khoản lãi 120 tỷ đồng trong tháng 10, PNJ đã cắt được mạch thua lỗ 3 tháng liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này vẫn thấp hơn 1/3 so với cùng kỳ năm 2020. Trong riêng tháng 10, nhà sản xuất và kinh doanh vàng trang sức lớn nhất TP.HCM này ghi nhận 2.080 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, PNJ vẫn mở mới 18 cửa hàng PNJ Gold từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, công ty cũng đóng 18 cửa hàng PNJ Silver và 1 cửa hàng CAO trong giai đoạn này.
Trong khi đó, nhãn hàng Pandora đã đạt mốc 10 cửa hàng đầu tiên ở các thành phố lớn. Ngoài ra, lãnh đạo PNJ cho biết công ty vẫn đẩy mạnh hệ thống giao hàng online và vận hành các cửa hàng không bị ảnh hưởng do chính sách giãn cách xã hội ở một số địa phương.