Theo Thứ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Elnur Mammadov, Việt Nam và Azerbaijan có nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng mà hai bên sẽ tích cực thảo luận để phát triển trong thời gian tới.
Ông Mammadov nói, trong chuyến đi tới Việt Nam, ông mong muốn có thể khuyến khích các lĩnh vực hợp tác mới như năng lượng tái tạo.
Trả lời báo chí sáng 18/7, Thứ trưởng Ngoại giao Azerbaijan cũng đề cập đến thành tựu của mối quan hệ song phương và những ấn tượng của ông khi đến Việt Nam.
Thứ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Elnur Mammadov.
Mong đợi triển khai các kế hoạch sau đại dịch
“Đây là chuyến đi quan trọng vì kể từ đại dịch COVID-19, giờ chúng tôi mới có cơ hội đến Việt Nam. Trong chuyến đi này, chúng tôi sẽ có các hoạt động như vòng tham vấn chính trị lần thứ hai. Tôi mong muốn thông báo đến những người đồng cấp Việt Nam về quá trình bình thường hóa quan hệ đang diễn ra trong khu vực”, ông Mammadov đề cập đến những mục tiêu trong chuyến đi.
“Chúng tôi cũng sẽ thảo luận về đề xuất mở đại sứ quán Việt Nam ở Azerbaijan”, ông nói thêm. Hai bên cũng sẽ thảo luận về các vấn đề khu vực và thế giới như tình hình Ukraine, luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế.
Xem xét tăng cường hợp tác kinh tế
Theo ông Mammadov, mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Azerbaijan chưa thực sự tương xứng với quan hệ ngoại giao, và có nhiều lĩnh vực hai bên đang xem xét mở rộng hợp tác.
"Từ kết quả của những cuộc trao đổi cấp cao, chúng tôi đã thành lập ủy ban hợp tác kinh tế phụ trách các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, kĩ thuật, khoa học... cũng đã phát triển. Chúng tôi đã có 2 cuộc gặp của ủy ban này, cuộc gặp gần nhất được tổ chức ở thủ đô của Azerbaijan và chúng tôi cũng lên kế hoạch cuộc gặp tiếp theo trong năm nay. Đây là một năm quan trọng đối với mối quan hệ của chúng ta vì năm 2017 chúng ta đã kỉ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao (23/9) và năm nay chúng ta sẽ kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao; và cuộc gặp của ủy ban cũng diễn ra vào thời điểm này.
Về hợp tác kinh tế trong năm nay, từ tháng 1 đến tháng 5, kim ngạch thương mại giữa chúng ta đã tăng khoảng 3 lần, đó là một tin rất tốt", ông nói.
Ấn tượng với Việt Nam
Sau vài ngày đặt chân đến Việt Nam, Thứ trưởng nói ông ấn tượng về sự thân thiện của đất nước, con người Việt và những nét tương đồng trong văn hóa giữa hai bên.
“Chúng tôi đến thăm những di tích lịch sử và thấy những đứa trẻ vẫy chào mình trên phố. Tôi không biết có phải vì tôi là người nước ngoài hay không nhưng không phải ở đâu cũng có cách phản ứng như vậy với người lạ. Tôi nghĩ về điểm này thì người Việt Nam và Azerbaijan đều giống nhau, đó là sự hiếu khách”, ông nói.
“Tôi nghĩ Việt Nam là một đất nước năng động và có rất nhiều cơ hội cho các công ty Việt Nam cả trong và ngoài khu vực. Như tôi được biết chúng ta đã chứng kiến kinh tế bùng nổ ở đất nước này trong vòng 5-10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng GDP cao”, ông nói.
Thứ trưởng cho biết thêm về những lĩnh vực hợp tác kinh tế tiềm năng mà hai bên có thể thảo luận, ví dụ như Azerbaijan đang thu hút đầu tư để trở thành “trạm trung chuyển” hàng hóa và Việt Nam có thể xem xét hợp tác liên quan đến lĩnh vực này.
Azerbaijan nằm ở phía đông nam vùng Caucasus, trải dài hơn 800 km từ biển Đen ra biển Caspi. Nhờ có vị trí địa lý độc đáo nằm tại ngã cửa ngõ của Châu Âu và Châu Á, Azerbaijan có tầm quan trọng đặc biệt đối với giao thoa kinh tế và văn hóa thế giới.
Nền tảng của mối quan hệ truyền thống và hữu nghị giữa Việt Nam và Azerbaijan đã được tạo ra từ chuyến thăm Azerbaijan của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1959 và chuyến thăm Việt Nam của nhà lãnh tụ dân tộc Azerbaijan Heydar Aliyev năm 1983. Trong thời kỳ Xô Viết, nhiều sinh viên Việt Nam đã được theo học đại học ở Azerbaijan, các chuyên gia dầu khí của Azerbaijan đã có nhiều hoạt động trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp Việt Nam và tham gia tích cực trong việc thiết lập ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam.
Mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Azerbaijan chính thức được thiết lập ngày 23/9/1992. Từ đó, dù đạt được một số thành tựu nhất định, tuy nhiên quan hệ hợp tác hai nước mới chỉ dừng lại chủ yếu ở việc trao đổi đoàn, hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia còn khá khiêm tốn.