Rodney Dillon quan sát được tình trạng những "rừng tảo bẹ" nay đã trở nên trơ trụi đến mức đáng lo ngại. Nhưng đáng buồn thay, theo ông, "không ai có thể làm gì về điều này".
Biến đổi khí hậu đang đe dọa Australia, nơi tự hào với những loài sinh vật đa dạng và độc đáo vào hàng nhất thế giới. Tảo bẹ khổng lồ phát triển mạnh ở vùng nước lạnh, nhưng trong những năm gần đây, nhiệt độ nóng ở đại dương ngoài khơi Tasmania - bang cực Nam Australia và là cửa ngõ vào Nam Cực, tăng lên gần gấp bốn lần mức trung bình toàn cầu, theo các nhà hải dương học.
Ông Rodney Dillon đi bộ dọc theo bờ biển trên vùng đất bản địa ở đảo Bruny, Tasmania, Australia. (Ảnh: Washington Post)
Hơn 95% tảo bẹ khổng lồ đã chết, và vấn đề không chỉ ở loài tảo. Với thân cây trung bình cao 9m, tảo bẹ khổng lồ tạo môi trường sống cho một số loài sinh vật biển hiếm nhất trên thế giới.
Ở đại dương, khi nhiệt độ của nước biển tăng lên và tảo bẹ bị "nấu chín", Tasmania đang đánh mất dần thứ hình thành nền văn hóa đặc biệt của họ trong nhiều thiên niên kỷ.
Hai trong số các sóng nhiệt biển nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận đã quay trở lại trong những năm gần đây.
Nằm phía Nam của đường xích đạo, mùa hè của Australia trải dài từ tháng 12 đến tháng 2. Ở trên cạn, ước tính có khoảng 23.000 con dơi ăn quả khổng lồ - khoảng một phần ba số lượng loài này ở Australia - đã chết vì khí hậu khắc nghiệt ở Queensland và New South Wales vào tháng 4. Dơi không thể sống ở nhiệt độ trên 42 độ C. 10.000 con cáo bay đen, một loài khác, cũng chịu chung số phận.
Ở dưới biển, nước đang ngày càng nóng lên ngoài khơi Tasmania không chỉ giết chết tảo bẹ khổng lồ mà còn biến đổi cuộc sống nhiều loài động vật biển. Các loài nước ấm đang bơi về phía Nam đến những nơi mà chúng không thể sống sót vài năm trước. Cá vua, nhím biển, động vật phù du và thậm chí cả vi khuẩn từ phía Bắc ấm hơn gần đất liền hiện lan sang các vùng nước gần Nam Cực. "Có khoảng 60 hoặc 70 loài cá hiện đã thành lập quần thể ở Tasmania mà trước đây không có", ông Craig Johnson, người đứng đầu trung tâm sinh thái và đa dạng sinh học tại Viện nghiên cứu biển và Nam cực thuộc Đại học Tasmania cho biết.
Nhưng các loài nước lạnh bản địa của khu vực không có nơi nào để đi, khi đã quen với dòng nước lạnh lẽo gần bờ. "Vì vậy, sẽ có một loạt các loài ở đây có nguy cơ tuyệt chủng."
Ông Layton, một nhà nghiên cứu nói, "tầm quan trọng của rừng tảo bẹ tương đương với rừng trên đất liền", vì vậy nếu bạn có thể tưởng tượng thế giới sẽ ra sao nếu không có cây cối, dưới biển không có rừng tảo bẹ sẽ như thế.
Cuộc điều tra của Washington Post về sự nóng lên nhanh chóng ở vùng biển ngoài khơi Tasmania chỉ ra rằng những tác động tai hại từ biến đổi khí hậu không phải là vấn đề xa xôi: Nó đang ở đây, ngay bây giờ. Gần một phần mười hành tinh ấm lên 2 độ C kể từ cuối thế kỷ 19. Nguyên nhân nhiệt độ tăng lên này liên quan đến hoạt động của con người.
Tại Mỹ, New Jersey là một trong những tiểu bang nóng lên nhanh nhất và mùa đông tại đây đã ấm đến mức các hồ không còn đóng băng. Các hòn đảo của Canada đang đổ sụp xuống biển vì lớp băng không còn bảo vệ chúng khỏi sóng biển.
Nghề cá từ Nhật Bản đến Angola, Uruguay cũng "quay cuồng" khi nước biển ấm lên. Lãnh nguyên (vùng đất trơ có tầng đất đóng băng vĩnh cửu nằm gần cực) Bắc Cực đang tan chảy ở Siberia và Alaska, phơi bày những phần thi thể còn lại của voi ma mút bị chôn vùi hàng nghìn năm và làm ngập các ngôi mộ của người bản địa.
Australia trở thành ví dụ điển hình cho biến đổi khí hậu. Cháy rừng hiện hoành hành ở vùng ngoại ô Sydney và hạn hán đang làm một phần đáng kể của nước này trong tình trạng báo động. Gần 100 đám cháy bùng lên ở New South Wales, gần một nửa trong số đó ngoài tầm kiểm soát.