Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã nỗ lực hết mình cùng các nước thành viên ASEAN thúc đẩy xây dựng một Cộng đồng “Gắn kết và chủ động thích ứng” trước các thách thức.
Với sự đồng lòng của các nước thành viên, ASEAN đã và đang khẳng định vị thế là một tổ chức khu vực vững mạnh, liên kết sâu rộng và là đối tác quan trọng của các nước trên thế giới. ASEAN dần khẳng định vị thế, cho thấy tổ chức này sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm, đầu tàu quan hệ quốc tế thời gian tới, nhất là trong bối cảnh thế giới có những biến động khó lường, cơ hội và thách thức đan xen.
Vượt qua thách thức
Có thể nói, năm 2020 được xem là một đặc biệt khi thế giới chứng kiến sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Đại dịch này tạo ra những biến động chưa từng có trong đời sống nhân loại, gây hậu quả nặng nề đối với các nền kinh tế, làm gián đoạn mọi hoạt động, tác động tới cuộc sống của nhiều người dân…
Đoàn kết là nét nổi bật của ASEAN, giúp tổ chức này vượt qua nhiều khó khăn trong thời gian qua.
Đứng trước những thách thức từ đại dịch COVID-19, dù các quốc gia thành viên phải đối mặt với không ít thách thức từ ảnh hưởng của dịch bệnh song ASEAN là một trong số rất ít tổ chức khu vực trên thế giới vẫn hoạt động hiệu quả. ASEAN đã phát huy được sức mạnh đoàn kết và chủ động thích ứng để cùng vượt qua khó khăn.
Trong năm Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020, thông qua vai trò dẫn dắt và điều phối của Việt Nam, ASEAN đã thể hiện năng lực chủ động và khả năng thích ứng trước những thách thức nảy sinh, tiếp tục làm sâu sắc hơn hợp tác nội khối, hướng tới xây dựng cộng đồng bền vững.
Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 được xem là điểm nổi bật nhất của ASEAN trong năm 2020. ASEAN đã nhanh chóng, chủ động và kịp thời có phản ứng tập thể trước tác động nặng nề của COVID-19. Chính sự quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN đã tạo ra niềm tin cho các nước trong nỗ lực kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh, ASEAN cũng cho thấy các nỗ lực duy trì chuỗi giá trị khu vực khi thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối. Đồng thời, ASEAN cũng đã có những bước đi, đưa ra định hướng cho việc tạo công ăn, việc làm cho người dân thông qua lộ trình phát triển nguồn nhân lực cho thế giới việc làm đang thay đổi.
ASEAN đã để lại những dấu ấn đậm nét, nổi bật trên con đường xây dựng Cộng đồng ASEAN trong năm 2020. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn từ đại dịch COVID-19 - khiến lần đầu tiên trong lịch sử cả hai hội nghị cấp cao phải tổ chức trực tuyến, song lãnh đạo các nước đã có sự đồng thuận, nhất trì cao trong bước đường xây dựng, hoàn thiện Cộng đồng ASEAN.
Theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đã hoàn tất đánh giá giữa kỳ triển khai Kế hoạch tổng thể Cộng đồng ASEAN 2025 và Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN 2025, đưa ra Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025. Điều này tạo ra nền tảng vững chắc cho con đường phát triển phía trước của Cộng đồng ASEAN.
Ngoài ra, việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực cũng là thành quả đáng chú ý của ASEAN trong năm 2020. Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, trong khi những thách thức về an ninh tiếp tục gia tăng, ASEAN vẫn có những cách duy trì hoạt động tham vấn, tăng cường trao đổi, chia sẽ thông tin nhằm phát huy tốt nhất vai trò trung tâm của mình.
Vai trò trọng tâm
Trong năm 2020, một mặt ASEAN tiếp tục tái khẳng định tầm nhìn và cam kết xây dựng một Đông Nam Á hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng, mặt khác tổ chức này cũng đã xác định những nguyên tắc và định hướng lớn, chủ động thích ứng trước những biến động, bất ổn, cạnh tranh nước lớn gia tăng ở khu vực và thế giới. Điều này sẽ tạo ra nền tảng, cơ sở cho việc củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN.
Nhiều hoạt động của ASEAN và các đối tác năm 2020 phải tổ chức trực tuyến. (Ảnh minh họa: Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 15)
Nhận định về vai trò của ASEAN, chuyên gia Hoo Chiew Ping, giảng viên cấp cao về nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Malaysia, cho rằng tổ chức này đã và đang đặt nền móng cho cấu trúc an ninh khu vực dựa trên các nền tảng của ASEAN, qua đó vai trò trung tâm của ASEAN tiếp tục được khẳng định.
ASEAN dần khẳng định vai trò, vị thế trên trường quốc tế khi có nhiều đóng góp trong nỗ lực đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững. Thời gian qua, ASEAN cũng đã thể hiện cam kết xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng đóng vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và thế giới, đảm bảo an ninh, ổn định ở khu vực.
Bên cạnh đó, quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn. Điều này giúp cho ASEAN ngày càng tạo dựng được niềm tin với các đối tác, khẳng định tinh thần sẵn sàng hợp tác, gây dựng lòng tin, hướng đến hòa bình, ổn định và phát triển.
Trước những kết quả đã đạt được, ASEAN ngày càng cho thấy tinh thần đoàn kết và gắn kết nội khối, góp phần nâng cao sức mạnh, đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh. Qua đó, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Cộng đồng, cũng như nâng cao vai trò và đóng góp của ASEAN trên trường quốc tế.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc lần thứ 11 hôm 15/11, Tổng Thư ký Antonio Guterres đánh giá cao quan điểm và nỗ lực của ASEAN trong các vấn đề quốc tế như xử lý khủng hoảng COVID-19, vấn đề vũ khí hạt nhân...
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn có thể kéo dài gây ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, năm 2021 và trong những năm tiếp theo, ASEAN sẽ là vẫn nhiều thách thức. Tuy nhiên, với những thành quả đã đạt được, ASEAN sẽ có thêm nền tảng vưỡng chắc để đóng vai trò trung tâm trong thời gian tới, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế quan trọng ở khu vực và trên trường quốc tế.