Lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ nhóm họp tại thủ đô Jakarta của Indonesia vào ngày 24/4 tới nhằm thảo luận về các nỗ lực xây dựng cộng đồng, quan hệ đối ngoại và các vấn đề khu vực, trong đó có cuộc khủng hoảng tại Myanmar.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, hiện công tác chuẩn bị cho hội nghị đang gấp rút được triển khai.
Trước đó ngày 16/4, các nguồn tin khu vực cho hay các nhà lãnh đạo từ tất cả 10 quốc gia ASEAN. Nhà lãnh đạo quân sự Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing, dự kiến sẽ tham dự cuộc họp.
Kế hoạch tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN nói trên đã được nước chủ nhà Indonesia và Ngoại trưởng nước này là bà Retno Marsudi thúc đẩy trong vài tuần qua, với sự ủng hộ của Malaysia, Brunei, Singapore và Philippines.
Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục nổ ra trên khắp Myanmar. (Ảnh: Reuters)
Hãng thông tấn quốc gia Campuchia (AKP) ngày 16/4 đưa tin Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã khẳng định sẽ tham dự hội nghị này.
Ngày 5/4, Brunei - Chủ tịch ASEAN năm 2021 - đã lên tiếng ủng hộ tổ chức hội nghị trên nhằm thảo luận về các diễn biến tại Myanmar và cho biết đã yêu cầu các quan chức chuẩn bị cho cuộc họp này tại Jakarta.
Trong một tuyên bố chung với Malaysia, Brunei cho biết cả hai nước đã yêu cầu các bộ trưởng và quan chức cấp cao của mình tiến hành “các bước chuẩn bị cần thiết cho cuộc họp sẽ được tổ chức tại Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, Indonesia.”
Theo tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp cùng ngày giữa Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, hai nhà lãnh đạo “nhất trí rằng các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ gặp nhau để thảo luận về những diễn biến hiện nay tại Myanmar.”
Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực tại Myanmar, đồng thời hối thúc tất cả các bên kiềm chế và linh hoạt tối đa nhằm sớm ổn định tình hình.
Trước đó, hôm 19/3, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ông có kế hoạch thảo luận với Quốc vương Brunei - Chủ tịch ASEAN đương nhiệm - về khả năng tổ chức cuộc họp này, đồng thời kêu gọi tổ chức đối thoại hòa giải ngay lập tức nhằm khôi phục dân chủ, hòa bình và ổn định tại Myanmar.
Myanmar rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang cùng các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD).
Quân đội Myanmar cho rằng có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử gần đây, cho dù Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar bác bỏ cáo buộc này. Quân đội cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính.