Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Asanzo họp báo: Ông Phạm Văn Tam lấy gì để chứng minh không giả xuất xứ hàng hóa?

Sáng 17/9, tập đoàn Asanzo đã có buổi họp báo công bố về kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng liên quan đến nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hóa của đơn vị này.

Thông tin đến báo chí, ông Phạm Văn Tam nêu lại thời điểm ngày 21/6, khi báo Tuổi Trẻ và báo Phụ nữ TP.HCM đồng loạt cáo buộc Asanzo giả xuất xứ hàng hóa. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính… khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về vụ việc Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương giao Tổng cục Quản lý thị trường - cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường - vào cuộc kiểm tra đối với Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo, trong đó có kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá của Asanzo. Theo quy định, xuất xứ hàng hóa là một trong những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng.

 CEO Asanzo tại buổi họp báo ngày 17/9.

Theo đại diện Asanzo, trong quá trình làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường, Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo đã giải trình đầy đủ, căn cứ theo các quy định của pháp luật và thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp về vấn đề xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, đối với các sản phẩm do công ty thiết kế sản phẩm, thiết kế bo mạch điện tử, sau đó đặt hàng các nhà cung cấp linh kiện theo tiêu chuẩn chất lượng mà Asanzo kiểm soát, rồi lắp ráp thành sản hoàn chỉnh phẩm, thì Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam. Đối với các sản phẩm do Asanzo đặt hàng các doanh nghiệp khác sản xuất và nhập khẩu, Asanzo ghi xuất xứ nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc.

Ngày 1/8/2019, Tổng Cục quản lý thị trường có văn bản gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia (chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) để báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đối với Asanzo. Theo báo cáo này, Tổng cục Quản lý thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hoá, sau khi đã kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá của doanh nghiệp.

Không chỉ cơ quan quản lý thị trường không kết luận Asanzo sai trong việc ghi xuất xứ hàng hoá, mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - tổ chức được giao chức năng cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/0) - cũng đã thành lập Tổ công tác để xác minh vấn đề ghi xuất xứ hàng hoá của Asanzo. Sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hoá, đối chiếu với thực tế sản xuất của doanh nghiệp, Tổ công tác của VCCI đã kết luận rằng, đối với các “sản phẩm điện tử Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hoá “sản xuất tại Việt Nam”, hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật”.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 4/9/2019, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cũng đã có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong đó có nội dung: “Trên cơ sở các thông tin tìm hiểu được, VCCI nhận thấy sản phẩm điện tử của Công ty Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hoá là sản xuất tại Việt Nam, chế tạo tại Việt Nam, hoặc xuất xứ từ Việt Nam… là phù hợp với các quy định pháp luật liên quan của Việt Nam hiện hành”.

 Sản phẩm Asanzo bị nghi ngờ sai phạm về gắn mác hàng hóa. Ảnh minh họa: Internet.

Tại họp báo, đại diện Asanzo cũng nhấn mạnh, tập đoàn này không sai phạm về xuất nhập khẩu. Theo đó, chỉ đạo từ Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã cử Cục Kiểm tra sau thông quan tiến hành kiểm tra đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo. Đến thời điểm này, Cục Kiểm tra sau thông quan là đoàn kiểm tra duy nhất của ngành hải quan có thực hiện việc kiểm tra tại Asanzo.

Sau khi kiểm tra tài liệu xuất nhập khẩu hàng hoá, đối chiếu hồ sơ chứng từ, tiếp nhận giải trình của doanh nghiệp, ngày 15-8, Cục Kiểm tra sau Thông quan đã  có kết luận kiểm tra đối với Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo. Theo bản kết luận kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan số 774/KL-KTSTQ, Cục Kiểm tra sau thông quan đã kết luận rằng: “Trên cơ sở hồ sơ tài liệu, số liệu, thông tin do công ty cung cấp, tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện sai phạm về khai báo hải quan đối với hàng hóa tại 1 tờ khai hải quan xuất khẩu, 26 tờ khai hải quan nhập khẩu”.

Ngày 5/9/2019, Tổng cục Hải quan đã gửi công văn cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo. Công văn này nêu rõ: “Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã tiến hành kiểm tra và có biên bản kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan số 774/KL-KTSTQ (C3) ngày 15-8-2019 gửi công ty”.

Như vậy, kết luận của Cục Kiểm tra sau thông quan chính là kết luận kiểm tra của ngành hải quan đối với Asanzo và kết luận này cho thấy, Asanzo không sai phạm về xuất nhập khẩu.

Đại diện Asanzo cho hay, phản ánh của báo chí đã cho rằng Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo có hành vi lừa dối người tiêu dùng khi sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, không có bất kỳ biên bản kiểm tra nào của các cơ quan chức năng kết luận Asanzo có sai phạm trong việc sử dụng slogan này.

Về việc sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, Asanzo có xin phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM và được đồng ý.

Trước khi Asanzo tổ chức buổi họp báo hôm nay, trả lời trên Tiền Phong, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ông Đàm Thanh Thế khẳng định: “Đấy là việc của Asanzo, họ làm phải đúng quy định pháp luật. Còn việc điều tra của cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Khi nào có kết luận chính thức tôi sẽ công bố với báo chí”.

Đào Bích

Tin mới