Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Áp thuế chống bán phá giá màng nhựa BOPP: Nhiều bất hợp lý?

(VTC News) -

Nhiều doanh nghiệp sản xuất hạ nguồn băn khoăn trước việc Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá đối với màng nhựa nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia.

Ngày 18/3, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 880/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời cho dòng sản phẩm BOPP có xuất xứ từ các nước Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan với các mức thuế nằm trong khoảng từ 14,99% đến 43,04%, được áp dụng riêng biệt cho từng nhà sản xuất căn cứ trên biên độ bán phá giá tương ứng do cơ quan điều tra thuộc Bộ Công Thương xác định.

Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với màng nhựa nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. (Ảnh minh hoạ)

Ngày 10/7, cơ quan điều tra đã có dự thảo kết luận cho sự việc này. Tuy vậy, dự thảo khiến các doanh nghiệp trong ngành sản xuất hạ nguồn băn khoăn, lo lắng khi cơ quan điều tra chỉ ghi nhận một phần rất nhỏ những ý kiến tham vấn bằng việc áp dụng phạm vi miễn trừ cho một số loại BOPP như màng ngọc, màng phủ PVDC, màng hologram… vốn chiếm tỉ trọng chưa đến 5% trong tổng nhu cầu BOPP.

Trong khi đó những vấn đề nội tại của ngành sản xuất BOPP trong nước đã không được kết luận theo đúng bản chất. Đơn cử cơ quan điều tra chỉ căn cứ vào công suất thiết của ngành sản xuất trong nước, so sánh với tổng nhu cầu BOPP thực tế (gần như tương đương) để kết luận ngành sản xuất trong nước đủ khả năng đáp ứng nhu cầu mà không quan tâm đến công suất thực tế có thể đạt được bao nhiêu phần trăm so với công suất thiết kế.

Đồng thời, cơ quan điều tra cũng đã bỏ qua thực tế vốn đã được ngành sản xuất hạ nguồn trải nghiệm rất nhiều năm qua, đó là chất lượng sản phẩm giữa các nhà sản xuất BOPP trong nước có sự khác biệt, trong đó tỉ trọng sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chuẩn dùng để sản xuất hàng chất lượng cao, dùng cho hàng xuất khẩu là không lớn, đặc biệt là đối với loại màng có độ dày dưới 20 micron.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng không xem xét một cách thấu đáo bản chất của hoạt động xuất khẩu của ngành sản xuất trong nước khi nhận định rằng ngành sản xuất trong nước buộc phải xuất khẩu do gặp khó khăn khi bán hàng ở thị trường trong nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp hạ nguồn đã chứng minh được rằng, với hoạt động xuất khẩu, ngành sản xuất trong nước sẽ tiết kiệm được khoảng 3% chi phí do chênh lệch cước vận chuyển giữa hoạt động xuất khẩu và vận chuyển Nam - Bắc.

Ngoài ra, số liệu điều tra của cơ quan điều tra đã cho thấy rằng hoạt động xuất khẩu đã mang lại cho ngành sản xuất trong nước một khoản doanh thu phụ trội khoảng 14% do bán được giá cao hơn.

Tính thời vụ của ngành sản xuất có dùng đến BOPP cũng đã không được cơ quan điều tra xem xét đầy đủ. Trong điều kiện mà công suất thiết kế hiện tại của ngành sản xuất trong nước chỉ mới tương đương nhu cầu thực tế và tại mùa cao điểm, nhu cầu BOPP thường có thể cao gấp 2-3 lần so với nhu cầu bình quân thì các doanh nghiệp hạ nguồn chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng hoảng loạn tìm nguồn cung bù đắp.

Trong bối cảnh như vậy, nhu cầu nhập khẩu để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất của ngành sản xuất hạ nguồn trở nên tất yếu. Song, trong thời gian hiệu lực thi hành của Quyết Đinh 880/QĐ-BCT, các doanh nghiệp nhập khẩu đã buộc phải nộp những khoản thuế quá lớn; những khoản thuế này đã trở thành gánh nặng quá sức khi các doanh nghiệp đang phải gồng mình đấu tranh chống lại sự suy giảm của thị trường do tác động của đại dịch Covid-19.

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng bảo hộ ngành sản xuất trong nước là một vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, mức độ bảo hộ phù hợp, cân đối trong mối tương quan giữa các ngành sản xuất trong nước là quan trọng hơn.

Trong khi theo tính toán của ngành sản xuất BOPP trong nước thì ở các mức thuế 12,86% cho nguồn hàng có xuất xứ từ Trung Quốc; 19,64% từ Thái Lan và 14,38% cho nguồn hàng từ Malaysia đã đủ loại bỏ tác động tiêu cực từ các nguồn hàng này đối với ngành sản xuất BOPP trong nước, thì cơ quan điều tra lại đề xuất các mức thuế nhập khẩu cao hơn rất nhiều. Dường như cơ quan điều tra đã không quan tâm đến ngành sản xuất hạ nguồn khi đã không vận dụng điều khoản 9.1 của Hiệp Định Chống Bán Phá Giá mà Việt Nam là thành viên để đề xuất chỉ cần áp dụng một mức thuế vừa đủ để xoá bỏ tác động tiêu cực của nguồn hàng nhập khẩu đối với ngành sản xuất trong nước. Mức thuế có thể áp dụng này, nếu theo kết quả điều tra của cơ quan điều tra thì chỉ cần ở mức thấp là 2%.

Trên thực tế cũng cần xem xét quan điểm rằng, sự xuất hiện của nguồn hàng đạt chất lượng nhưng với mức giá cạnh tranh sẽ mang lại lợi ích cho các ngành sản xuất hạ nguồn, đồng thời, cũng tạo động lực để ngành sản xuất mặt hàng đó trong nước cải tiến hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đối với ngành sản xuất BOPP trong nước, kết quả điều tra đã cho thấy dù lợi nhuận có bị ảnh hưởng nhưng ngành sản xuất trong nước vẫn hoạt động có lãi, dòng tiền vẫn duy trì ổn định. Ngành sản xuất BOPP trong nước đã được hình thành và phát triển: từ việc chỉ có một nhà sản xuất ban đầu, đến nay đã có 3 nhà sản xuất và sang năm 2021, dự kiến sẽ có thêm một đơn vị mới tham gia vào ngành.

Trong khi đó, chỉ trong mấy tháng áp dụng mức thuế chống bán phá giá tạm thời, ngành sản xuất hạ nguồn đã lao đao, nguy cơ mất thị trường đã hiện rõ với ngành sản xuất bao bì in ấn siêu thị, nguy cơ phá sản cũng đã bắt đầu có dấu hiệu xảy ra với ngành sản xuất băng keo do thành phẩm nước ngoài đã trở nên rẻ hơn hàng sản xuất trong nước.

Hàng chục ngàn lao động của ngành sản xuất hạ nguồn (so với mấy trăm lao động của ngành sản xuất BOPP trong nước) cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu việc làm, thậm chí thất nghiệp....

Trong điều kiện như vậy, sẽ thiếu hợp lý và bất lợi khi một mức thuế cao hơn 6% (mức thuế ưu đãi hiện hành) được chính thức áp dụng cho các nguồn hàng từ các nước bị điều tra”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Chí Dũng

Tin mới