Ảnh vệ tinh do công ty công nghệ không gian Mỹ Maxar chụp lại cho thấy một khu đất mới xuất hiện ở đá Subi. Khu đất hình chữ nhật rộng 2,85 ha nằm ở rìa phìa Nam của đá Subi không xuất hiện trong ảnh vệ tinh chụp hôm 20/2.
Theo Maxar, cấu trúc hình tròn nằm ở một góc của khu đất có thể là một tháp hoặc vòm radar.
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nhận định công trình mới được xây dựng có thể được sử dụng cho nhiều mục đích.
Ảnh vệ tinh chụp phần phía Nam của đá Subi hôm 20/2...
...và khu đất Trung Quốc cải tạo trái phép xuất hiện trong ảnh vệ tinh mới đây. (Ảnh: Maxar)
"Nó có thể là một công trình sử dụng cho nhiều mục đích. Nó có thể cho phép thực hiện các hoạt động quy mô lớn, nhưng dường như thích hợp cho việc hạ cánh trực thăng và thậm chí là địa điểm triển khai các hệ thống vũ khí lưu động hoặc cảm biến", ông Koh cho hay.
Công trình mới này của Trung Quốc là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền trái phép của nước này ở Biển Đông.
Đá Subi nằm cách đảo Thị Tứ khoảng 26 km là thực thể nhân tạo lớn nhất trong bảy thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và xây dựng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Mọi hoạt động liên quan đến 2 quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị. Các nước cần hành động có trách nhiệm, tránh làm phức tạp tình hình, đóng góp vào hòa bình và an ninh ở Biển Đông”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhiều lần nêu rõ.