Thời điểm giữa tháng 11 Âm lịch, PV VTC News có chuyến thực tế một vòng quanh xã Cẩm Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam – địa phương được mệnh danh là thủ phủ quất cảnh lớn nhất miền Trung.
Tuy nhiên, trái với tâm trạng khấp khởi mừng vui từ những vụ mùa bội thu của các năm trước, năm nay, bà con làng quất Cẩm Hà trĩu nặng âu lo.
Đang tất bật gia cố thêm đất vào chậu quất sum suê trái, ông Nguyễn Đức Thành (47 tuổi, thôn Bàu Ốc) buông tiếng thở dài khi nhắc đến vụ quất sắp sửa cho thu hoạch. Theo ông Thành, cũng như nhiều nhà vườn khác trong làng, năm nay, gia đình ông không dám đầu tư sản lượng nhiều như các năm trước.
“15 năm gắn bó với nghề trồng quất cảnh, vụ Tết nào tôi cũng đầu tư trên 300 cây quất với đủ các loại từ nhỏ đến lớn. Thế nhưng năm nay, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên tôi chỉ vun trồng 150 cây”, ông Thành lý giải
Cũng theo ông Thành, những tháng qua, giá phân bón tăng cao khiến nông dân làng quất choáng váng. Nhẩm tính một hồi, ông Thành bộc bạch, nếu bán tống bán tháo hết toàn bộ 150 chậu quất này vào dịp Tết với giá dao động từ 400-800 nghìn đồng/chậu, khoản doanh thu cũng chỉ đủ bù chi phí cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Còn lại, mồ hôi, sức lực mà ông đổ dồn vào vụ quất Tết coi như công cốc.
Mấy hôm nay, khi vườn quất 500 chậu trong khu đất rộng cả hecta đang ngả sang màu vàng chín, ông Nguyễn Luyến (58 tuổi) – người có thâm niên 30 năm trong nghề và là một trong số những người khéo tay tạo thế cho quất có tiếng ở Cẩm Hà – như ngồi trên đống lửa.
Ông Luyến chia sẻ, thường niên, chừng đầu tháng 11 Âm lịch, thương lái từ khắp các nơi như: Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đã đổ xô đến làng quất. Thế nhưng năm nay, khi phân nửa thời gian của tháng đã trôi qua, những nông dân trồng quất như ông vẫn đang mỏi mắt chờ thương lái.
“Năm ngoái, cũng thời điểm này, tôi đã chốt xong cả vườn quất với hơn 700 chậu cho thương lái ở Quảng Ngãi và chỉ chờ tới thời điểm cận Tết là họ đưa xe ra vận chuyển. Còn bây giờ, vào các ngày cuối tuần mới thấy một, hai thương lái lân la tới các nhà vườn xem cây và trả giá. Vụ quất năm nay, bà con cũng sẵn sàng chuẩn bị tâm thế là các thương lái hủy hợp đồng. Bởi nếu tình hình dịch bệnh tại địa phương của họ bùng phát nghiêm trọng và phong tỏa thì mình phải trả lại tiền cọc. Lúc ấy, chẳng còn cách nào khác, mình tự tìm sân, bãi để bán lẻ” - ông Luyến giãi bày.
Ông Nguyễn Thành Được – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà – cho hay toàn xã có hơn 500 hộ dân chuyên trồng quất cảnh và bán vào dịp Tết Nguyên đán. “Vụ quất Tết Nguyên đán 2022, cả xã dự kiến xuất bán 45 nghìn chậu (giảm 20 nghìn chậu so với năm ngoái. Lý do là bà con nông dân e ngại trước tình hình dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ quất cảnh. Quả thật, đây là vụ quất Tết mà bà con gặp quá nhiều khó khăn. Việc giảm sản lượng cộng với chi phí phân bón tăng, giá dự kiến thấp sẽ ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người trồng quất”, ông Được nói.