Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ảnh: Sâu lạ tấn công thủ phủ dừa Bến Tre, nhiều nhà vườn tan hoang

(VTC News) -

Sâu lạ đang tấn công nhiều vườn dừa ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, khiến cả trăm hecta dừa ở đây tan hoang.

Sâu lạ bắt đầu xuất hiện từ tháng 7/2020 tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre với diện tích ghi nhận ban đầu rất nhỏ khoảng hơn 2ha.

Trả lời VTC News, ông Võ Văn Nam, Giám đốc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre cho biết, qua thống kê sâu bệnh đã tấn công, gây thiệt hại 160ha vườn dừa trên tổng diện tích 72.000ha toàn tỉnh Bến Tre.

Ông Vũ Ngọc Huệ (71 tuổi, ấp Hữu Nhơn, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) lo lắng khi “xứ dừa" bị sâu lạ tấn công, nhiều nhà vườn đứng trước nguy cơ đốn bỏ hoàn toàn.

Ông Huệ vừa phải đốn bỏ 4.000m3 (4 công) dừa trồng từ năm 1976 đang cho trái bị chết rụi do sâu đầu đen tấn công. “Thợ đốn xem xét theo kích cỡ, chiều cao sẽ thu mua theo từng mức giá 100.000 - 300.000 đồng”, ông Huệ cho biết.

“Cách phòng trị tạm thời của người dân là chặt bỏ tàu dừa có sâu. Đối với các vườn dừa già, thân quá cao mà có sâu xuất hiện thì đành tiến hành đốn bỏ để tránh lây lan”, anh Nguyễn Đình Chiêu (ngụ xã Hữu Định, huyện Châu Thành) chia sẻ.

Ông Đinh Kiến Trúc (60 tuổi, ngụ xã Hữu Định, H.Châu Thành), cho biết, loại sâu đầu đen làm kén trú ngụ dưới lá dừa nên phun xịt rất khó khăn. "Tôi đang có kế hoạch đốn bỏ vườn dừa để trồng lại vì tốn gần 5 triệu tiền thuốc mà chưa thấy hiệu quả”, ông Trúc nói trong lo lắng.

Nông dân đã tốn nhiều tiền bạc, công sức phun thuốc, nhưng nhiều vườn dừa vẫn chết héo, nguy cơ cao phải đốn bỏ.

"Dù đã phun xịt nhưng phương pháp này không hiệu quả. Nên tôi mất cả vườn dừa. Do thân dừa còn non chưa đạt chiều cao yêu cầu nên thợ cũng chẳng thèm mua coi như tôi mất trắng", ông Ngô Văn Dũng (ngụ xã Hữu Định, huyện Châu Thành) nói về vườn dừa 10 năm tuổi đã đốn gần hết của mình.

Qua tìm hiểu sơ bộ, đây là sâu đầu đen có tên khoa học là Opisina arenosella Walker, từng gây hại cây dừa ở Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan... Chúng có thể tấn công nhiều bộ phận của cây dừa từ khi trồng cho đến khi có trái. 

Nguy hiểm nhất là sâu đầu đen sinh sản rất nhanh. Hiện sâu đã lan nhanh qua các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách và TP Bến Tre.

Tỉnh Bến Tre là thủ phủ cây dừa của cả nước với diện tích chiếm gần 50%, sản lượng trên 600 triệu trái/năm. Cây dừa là một trong những cây trồng chủ lực gắn với đời sống và thu nhập của đa số người dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Võ Văn Nam, Giám đốc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre cho biết thêm, ngành nông nghiệp tỉnh đang áp dụng một số giải pháp tạm thời để tránh bùng phát dịch. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các đơn vị như Đại học Nông lâm TP.HCM và các nhà khoa học để sớm tìm ra được liệu trình sinh học tiêu diệt loài sâu lạ nguy hiểm này.

CHU HUY

Tin mới