Những ngày này, ngang qua các xã Tiên Thọ, Tiên Mỹ, Tiên Phong... của huyện trung du Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, ắt hẳn nhiều lữ khách phương xa sẽ thích thú trước sắc đỏ tràn ngập khắp những khu vườn dâu đất.
Theo cư dân địa phương, dâu đất còn gọi là dâu da, tên khoa học là Baccaurea sapida. Thông thường, một cây dâu đất bắt đầu cho quả sau 3 năm vun trồng. Mùa dâu đất kéo dài vỏn vẹn 2 tháng, từ tháng 7 đến tháng 8 Âm lịch.
Đây là thời điểm quả dâu bắt đầu ngả sang màu đỏ, vị ngọt lịm.
Quả dâu mọc ngay trên thân cây và đậu thành từng chùm trải dài từ gốc đến ngọn. Nhiều chùm dâu ở vị trí thấp, người dân không cần leo trèo hay bắc thang mà vẫn có thể hái được.
Mặc dù dâu đất không mang lại giá trị kinh tế cao nhưng hầu như gia đình nào ở huyện trung du Tiên Phước cũng trồng ít nhất một cây. Đặc biệt, nhiều hộ dân ở xã Tiên Thọ dành phần lớn quỹ đất trong vườn nhà để chuyên canh loại cây thân gỗ này nhằm kiếm thêm thu nhập.
"Cách đây 8 năm, tôi dành toàn bộ diện tích 1 hecta đất trong vườn nhà mình để trồng dâu đất. Với 20 cây đều đặn sai quả, trung bình mỗi năm, tôi thu hoạch xấp xỉ 1 tấn dâu và bỏ túi không dưới 4 triệu đồng", ông Nguyễn Văn Năm, một người dân trú xã Tiên Thọ, cho hay.
Như nhiều vụ trước, năm nay, 4 cây dâu đất liền kề trước nhà của bà Đỗ Thị Thúy (xã Tiên Thọ) lại sai quả từ gốc tới ngọn. 1 tuần nay, bà Thúy thu hoạch tổng cộng gần 200kg dâu đất và bán với giá 5.000 đồng/kg. "Số tiền bán dâu cũng được gần 1 triệu đồng, đủ để sắm dụng cụ học tập cho con", bà Thúy vui vẻ nói.
Quả dâu đất được ưa chuộng mỗi khi vào mùa bởi rất có lợi cho sức khỏe. Quả này chứa nhiều polyphenol và anthocyane, hai loại chất chống oxy hóa quan trọng cho cơ thể.