Video: Nông dân thủ phủ hoa cúc ở TP Pleiku thắc thỏm vào vụ Tết
Phường Thắng Lợi được biết đến như vựa hoa cúc cảnh của TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai). Theo thông lệ hằng năm, từ tháng 7 Âm lịch, nông dân đã rục rịch chuẩn bị cho vụ hoa Tết để kịp xuất bán vào tháng 12 Âm lịch.
Song năm nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 kéo dài cùng với sâu bệnh tàn phá mà quy mô và số lượng người trồng giảm đi đáng kể. Bà con nông dân cũng đang phải gánh trên vai nhiều nỗi lo về một vụ hoa Tết không mấy vui.
Là người có tiếng trong việc trồng cúc cảnh tại địa phương, nhưng anh Trần Đăng Thuận (39 tuổi) chỉ dám xuống tay trồng gần 1.000 chậu cúc cảnh. Anh Thuận cho biết, mọi năm nhà anh phải trồng trên 1.500 chậu cúc đủ loại. Năm nay dịch bệnh, lo sợ trước 30 tết không tiêu thụ hết nên gia đình đã giảm bớt sản lượng, tập trung vào trồng loại cúc pha lê – loại cúc có giá trị cao và chuộng người mua để mong không thua lỗ.
“Trong đợt xuống giống hoa vụ Tết vừa rồi, vì gặp thời tiết không thuận lợi, mưa kéo dài nên nhiều diện tích hoa bị hư hỏng, thối thân, thối lá. Bên cạnh đó bệnh nấm cũng là một loại bệnh khiến cho nhà tôi và các hộ trồng cây cảnh khác phải đổ rất nhiều chi phí vào để cứu cây”, anh Thuận trầm tư.
Cũng như anh Thuận, gắn bó hơn 20 năm với nghề trồng hoa Tết, có năm trúng năm không do hoa nở không đúng thời điểm, nhưng chưa năm nào ông Hoàng Văn Yến (phường Thắng Lợi) xuống giống mà phập phồng nỗi lo như năm nay. Mặc dù đã chuẩn bị đầy đủ chậu, đất, cây giống để trồng hơn 1.500 chậu cúc cảnh, nhưng lo ngại sự biến động của thị trường trong bối cảnh dịch COVID-19 nên ông Yến đã đắn đo, suy nghĩ và quyết định giảm hơn 200 chậu so với năm ngoái.
“Mùa hoa tết là mùa bội thu, nhưng năm nay dịch diễn biến quá phức tạp, rất khó để lường trước được có tiêu thụ hết sản lượng trồng ra hay không. Chưa kể tới việc không tiêu thụ hết, thương lái ép giá nên chúng tôi trồng ít đi, thà lời ít còn hơn là lỗ nặng, dịch bệnh không thể lường trước được”, ông Yến nhận định.
Giữa trưa, bà Trần Thị Thắm (63 tuổi, tổ 3, phường Thắng Lợi, TP Pleiku) đang cắm thêm thanh tre để cố định lại bông cho hơn 900 chậu cúc cảnh của gia đình. Năm trước, thời điểm này, thương lái đã tất bật tới lui nhà bà Thắm để đặt hàng, song năm nay bà Thắm cho biết chỉ lưa thưa, lẻ bóng có vài người.
"Trước đây từ tháng 9, 10 âm lịch các thương lái đã chủ động liên hệ với tôi rồi lui tới xem bông, chốt giá. Thế mà năm nay từ đầu tháng tới chưa có lấy một bóng người. Chưa kể những mối quen, họ cũng không dám mạnh tay chốt nhiều như năm ngoái”, bà Thắm rầu rĩ.
Bà Thắm cũng cho biết, nếu như mọi năm, gia đình bà sẽ trồng đủ loại cúc để đa dạng thêm sự lựa chọn cho khách hàng. Nhưng năm nay dịch bệnh, không lường trước được có bán hết hay không, gia đình bà chỉ trồng 2 loại cúc chính là cúc pha lê và cúc đại đóa. Đây là 2 loại cúc phổ biến và phù hợp với túi tiền người tiêu dùng.
“Nếu đến sát Tết thương lái vẫn không tới mua thì các hộ nông dân như tôi đành phải tự tìm chỗ tiêu thụ. Nhiều khả năng, chúng tôi sẽ mang hoa ra các khu chợ hoặc tìm khu dân cư đông đúc để bán. Mong năm nay bán hết trước Giao thừa, chứ không lại phải bỏ đi thì thua lỗ nặng”, bà Thắm mong mỏi.
Nghề trồng hoa cúc phải chăm sóc rất tỉ mỉ, thời tiết là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới chất lượng cây hoa. Trời quá nắng hoặc lạnh thì cây hoa rất khó nở đúng dịp Tết, kéo theo năng suất không được đảm bảo. Để hoa chớm nụ và nở đúng thời điểm, các hộ dân ở phường Thắng Lợi phải căng lưới, bạt để che chắn, bên cạnh đó còn sử dụng điện thắp sáng cho vườn hoa vào ban đêm để thúc cây hoa phát triển.
Trước nỗi lo của người dân, chính quyền địa phương cũng đã tìm mọi cách để hỗ trợ họ tránh khỏi một vụ mùa thất bát. Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND phường Thắng lợi (TP. Pleiku) cho biết: “Trong mùa vụ Tết, chúng tôi đã khuyến cáo nông dân theo dõi, thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh để hoa nở đúng dịp và giảm thiểu thiệt hại; khuyến cáo bà con sản xuất thêm các loại mới hơn, chậu nhỏ, ngắn ngày thay vì dài ngày và phù hợp sở thích túi tiền của người tiêu dùng, dễ tiêu thụ. Đồng thời đơn vị cũng tăng cường công tác thông tin, quảng bá sản phẩm cúc cảnh của địa phương bằng nhiều hình thức để phần nào hỗ trợ bà con tiêu thụ trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay”.