Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ảnh: Những lô đất vàng tại TP.HCM khiến loạt lãnh đạo cấp cao vướng vòng lao lý

(VTC News) -

8-12 Lê Duẩn, 2-4-6 Hai Bà Trưng... là những lô đất vàng khiến cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và nhiều lãnh đạo cấp cao vướng vòng lao lý.

Lô đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TP.HCM) rộng hơn 6.000m2, có vị trí đắc địa với 4 mặt tiền gồm: Hai Bà Trưng, Thi Sách, Công trường Mê Linh và Đông Du. Mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ vụ án sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố ông Vũ Huy Hoàng - cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương vì sai phạm liên quan đến khu đất này.

Ông Vũ Huy Hoàng bị điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Quyết định này đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn, cơ quan điều tra đã tống đạt đến bị can và thực hiện lệnh khám xét nơi ở. 

Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, dù biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được sắp xếp giao cho Tổng Công ty Sabeco (là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương) để quản lý và không được thành lập pháp nhân mới. Tuy nhiên, ông Vũ Huy Hoàng vẫn chấp thuận để Tổng Công ty Sabeco triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl trái với quy định để đầu tư dự án. 

Căn cứ ý kiến phê duyệt, chỉ đạo của bị can Vũ Huy Hoàng, bị can Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương), ông Phan Đăng Tuất (Chủ tịch Hội đồng quản trị) đã đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án. Tiếp đó, các sở, ngành thuộc UBND TP.HCM đã tham mưu cho bị can Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) ký ban hành quyết định cho Công ty Sabeco Pearl thuê đất trái các quy định pháp luật.

Ngay sau khi Công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư, mặc dù chưa triển khai hoạt động gì nhưng đến tháng 2/2016, lợi dụng chủ trương thoái vốn của Chính phủ, ông Vũ Huy Hoàng đã quyết liệt chỉ đạo Tổng Công ty Sabeco đẩy nhanh thực hiện thủ tục thoái vốn và phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá là 13.247 đồng/cổ phần. Từ các thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội của ông Vũ Huy Hoàng, quyền sử dụng khu đất vàng này bị dịch chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân. 

Khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn (Quận1) có tổng diện tích 4.896,3m2, gồm 2 khu đất tại số 8 và số 12 Lê Duẩn, được xác lập sở hữu Nhà nước vào năm 1994 và giao Công ty Quản lý kinh doanh nhà ký hợp đồng cho 4 công ty Kim khí, Hóa chất vật liệu điện, Thiết bị phụ tùng và Vitaco thuê đất, trả tiền thuê hằng năm. Năm 2008, UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi nhà đất số 8-12 Lê Duẩn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn cao cấp.

Ngày 6/10/2009, ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM ký công văn chấp thuận chủ trương cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà (sau này là Công ty Lavenue) làm chủ đầu tư dự án và liên doanh, liên kết với 4 công ty đang thuê tại số 8-12 Lê Duẩn. 

Cơ quan điều tra xác định việc quyết định giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định tại số 8-12 Lê Duẩn cho Công ty Lavenue là không đúng đối tượng, trái Quyết định 09 và Quyết định 140. Đồng thời việc chấp thuận áp dụng 2 hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng 1 dự án là trái quy định tại Nghị định 121/2010/NĐ-CP. Kết luận điều tra, xác định trong vụ án, số tiền thiệt hại tối thiểu 2.047 tỷ đồng, trong đó thiệt hại công trình trên đất số 12 Lê Duẩn là 5 tỷ đồng, thiệt hại từ việc cho Công ty Lavenue tham gia dự án 120 là tỷ đồng, Nhà nước bị thất thoát lãng phí 1.922 tỷ đồng.. 

Ngày 18/4/2020, Cơ quan CSĐT Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" xảy ra tại khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng và số 8-12 Lê Duẩn. Cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM giai đoạn 2008-2011 Nguyễn Thành Tài tiếp tục bị Cơ quan điều tra đề nghị truy tố.

Lô đất số 8A Mạc Đĩnh Chi (Quận 1) được tách ra từ khu đất số 8 Mạc Đĩnh Chi và được giao cho Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ chọn tổ chức đấu giá và ký hợp đồng bán đấu giá tài sản. Sau 88 vòng đấu giá, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) trả khoảng 238,1 tỷ đồng, trúng đấu giá. Sau đó doanh nghiệp này đề nghị bổ sung chức năng xây khách sạn tại lô đất 8A Mạc Đĩnh Chi.

Tháng 3/2014, UBND TP.HCM có văn bản 151 do ông Nguyễn Hữu Tín khi đó đang là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ký điều chỉnh chức năng sử dụng đất số 8A Mạc Đĩnh Chi từ đất văn phòng thành đất xây khách sạn. Sau đó doanh nghiệp đã xây dựng khách sạn Mường Thanh tiêu chuẩn 4 sao như hiện nay. Tháng 5/2019, Bộ Xây dựng kết luận việc điều chỉnh quy hoạch khu nhà, đất số 8A Mạc Đĩnh Chi từ chức năng “văn phòng làm việc” sang “kinh doanh khách sạn” là trái với quy định của pháp luật. 

Do đó, mới đây Thủ tướng đã yêu cầu Bộ TN&MT, Bộ Tài chính và UBND TP.HCM tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan đã để xảy ra các thiếu sót, vi phạm trong quá trình tham mưu lập, phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất tại số số 8A Mạc Đĩnh Chi.

Thy Huệ

Tin mới