Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, tại chợ đầu mối Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội), những người phụ nữ lao động chân tay vẫn miệt mài mưu sinh với công việc thường ngày.
Đối với họ, 8/3 cũng chỉ là một ngày bình thường, không hoa, không quà, không lời chúc...
"Cả một đời đã quá quen sống cùng cái khổ, cái nghèo rồi, nên từ lâu tôi cũng chẳng nhớ ngày 8/3 là ngày gì nữa. Ngày nào thì cũng phải xuống chợ để bốc vác thôi vì đây là công việc thường nhật phải làm để tôi có thể nuôi con ăn học và trang trải cuộc sống", chị Vưng (quê Hưng Yên, cửa vạn tại chợ Long Biên) chia sẻ.
Những nữ cửu vạn ăn vội trong đêm để có thể lấy sức tiếp tục công việc. Gánh nặng mưu sinh trên vai họ khiến ngày 8/3 trở thành một điều quá xa xỉ.
4h sáng, nhịp sống ở khu chợ đầu mối lớn ở miền Bắc vẫn nhộn nhịp.
Bóng dáng của bà lão ngoài 80 tuổi ngồi bên gánh hàng rong trở thành hình ảnh quen thuộc đối với nhiều người ở ngã ba chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Khi được hỏi đến ngày 8/3, bà Sang chỉ cười: "Trước giờ thấy mọi người mua hoa, tặng quà thì cũng chỉ nghĩ là ngày gì đó thôi, cũng không nghỉ lễ gì hết. Không có gia đình, không có con cháu nên từng này tuổi tôi vẫn phải ra vỉa hè ngồi mỗi ngày để mưu sinh. Nếu nghỉ ngày nào là sợ không đủ cơm để ăn".
Giữa ánh đèn phố thị, không khó để bắt gặp những ánh mắt mong mỏi chờ khách đến mua hàng.
Còn với những phụ nữ làm vệ sinh môi trường, họ vẫn luôn cần mẫn, thầm lặng dọn dẹp từng tuyến phố, vỉa hè. "Ngày 8/3, tôi chỉ hy vọng mình có thật nhiều sức khoẻ để có thể tiếp tục làm việc, kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình.", chị Khánh (công nhân vệ sinh môi trường) chia sẻ.
Chị Hoa với hàng chục quả bóng bay đứng ở góc quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (quận Hoàn Kiếm) nói: "Những người cơm chưa đủ no như chúng tôi làm sao dám nghĩ đến ngày 8/3, làm sao để không phải mang nguyên chỗ bóng bay này về nhà vì ế là vui lắm rồi".
Cũng giống như nhiều khu chợ "không ngủ" khác, tại chợ hoa Quảng An (quận Tây Hồ), hàng trăm phụ nữ vẫn tần tảo mưu sinh trong đêm.
Chị Nguyễn Thị Mão (47 tuổi, trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) mỗi tối lại cùng chồng đi hơn 130km xuống Hà Nội để bán hoa. "Thật ra tôi không có khái niệm về ngày 8/3, ngày nào cũng phải xuống Hà Nội để bán hàng, Tết cũng vậy. Vậy nên chỉ mong sao có thể bán hết số hoa này, bán nhiều thì mừng, bán ế thì lo lắm. Đối với tôi ngày nào bán đắt hàng thì đã là niềm vui rồi, nghĩ gì đến ngày 8/3 nữa", chị Mão cười nói.
Không cần những bó hoa tươi thắm hay những món quà xa xỉ, niềm vui của những nữ tiểu thương chính là bán được hàng nhiều hơn mỗi ngày để có tiền lo cho gia đình mình.