Theo truyền thống của người Việt vào tháng 7 Âm lịch là dịp lễ Vu Lan báo hiếu, để người thân tri ân, kính nhớ cha mẹ, ông bà, tổ tiên, hướng về nguồn cội.
Dù cơn mưa nặng hạt, những có rất đông người dân di chuyển hàng chục km từ Thủ đô mang theo đồ lễ đến Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) để viếng mộ, thắp hương nhằm thể hiện sự tôn kính và nhớ ơn những người đã khuất...
... và đem những việc tốt trong năm để dâng lên ông bà, cầu nguyện cho gia đình được bình an.
Ngoài đồ lễ, người thân khi đến phần mộ của ông bà, tổ tiên ngày lễ Vu Lan thường tỉa bớt cành cây lớn, lau dọn sạch sẽ phần mộ của người đã khuất...
Nhiều người còn mang cơm cúng ông bà, tổ tiên trong ngày lễ Vu Lan. Tùy theo truyền thống mà mỗi gia đình có thể chọn dâng món chay hoặc món mặn. Mâm cơm cúng thể hiện lòng thành kính và cầu mong ông bà, tổ tiên được an nghỉ nơi chín suối.
Ngoài những mâm cơm cúng gia tiên, nhiều ra đình còn phóng sinh những con vật nuôi như cá, chim...
Với những người còn bố mẹ, có thể dành tặng những lời chúc, những món quà ý nghĩa trong dịp lễ Vu Lan báo hiếu.
Trong ngày 6/8, trời mưa nặng hạt nhưng Bà Lê Thị Hân (78 tuổi, ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cùng con cháu vượt quãng đường hơn 50km lên Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình dâng hương tưởng nhớ tổ tiên và người chồng đã khuất.
Bà Hân kể, dịp rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm các hoạt động về văn hóa, tâm linh lại diễn ra trên khắp cả nước. Đây là lúc gợi nhắc lại một trong những đạo lý, nhân cách lớn nhất của mỗi con người là đạo Hiếu. Cũng nhân dịp này, những người con tìm về với nguồn cội, về với giá trị chân - thiện - mỹ và về với đạo của người làm con.
“Lễ Vu Lan cũng cũng là thời điểm sắp đến ngày giỗ của ông nhà tôi nên tôi cùng con cháu lên đây làm lễ. Trước khi đi gia đình tôi cũng chuẩn bị đầy đủ để thắp hương tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất. Dịp này tôi cũng đưa các cháu lên để tưởng nhớ về cội nguồn của mình. Bao năm qua tôi luôn dạy con cháu phải có đức hiếu hạnh với tổ tiên, ông bà cha mẹ”, bà Hân nói.
Cùng con cháu lên dâng hương người chồng đã mất cách đây 1 năm, bà Cao Thị Sơn (69 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) không khỏi bùi ngùi, xúc động.
“Chúng tôi vẫn luôn tưởng nhớ tới những người thân trong gia đình đã mất, cầu siêu cho tất cả vong linh được siêu thoát về cõi vĩnh hằng. Tôi luôn tâm niệm có trước có sau. Các cụ trước thế nào thì giờ như thế, đó là tấm lòng của mình đối với gia đình, tổ tiên. Chính vì vậy mình phải sống sao cho con cháu đời đời sau này noi theo. Luôn luôn dạy con cháu phải giữ nếp gia phong, gia tộc của tổ tiên, gia đình dòng họ, nếu không giữ thì cũng không thể làm việc lớn. Đây là văn hoá rất tốt đẹp của gia đình”, bà Sơn chia sẻ.