Nghi nhận của PV VTC News, trong ngày rằm tháng Giêng, hàng nghìn người dân và du khách ra miếu Hòn Bà (mũi Nghinh Phong, Bãi Sau, TP Vũng Tàu) thắp hương, cầu an. Người dân viếng miếu không quên bịt khẩu trang để phòng dịch COVID-19.
Miếu Hòn Bà khá nhỏ, chỉ khoảng 5.000m2, được bao quanh đảo bởi nước biển và những bãi đá ngầm thuộc khu vực Bãi Sau (TP Vũng Tàu).
Theo người dân địa phương, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên lượng người viếng miếu trong ngày rằm tháng Giêng năm nay giảm rất nhiều so với những năm trước.
Người dân khi đến viếng miếu bắt buộc phải đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19.
Miếu Hòn Bà trở nên "bí ẩn" do du khách muốn tới đây viếng phải… canh ngày, canh giờ, chờ khi thủy triều xuống mới có đường đi.
Khi thủy triều xuống, nước rút sẽ làm xuất hiện con đường đá dưới biển dài khoảng 200m từ Bãi Sau đến đảo Hòn Bà. Du khách chỉ cần băng qua con đường này là tới được miếu.
Nhiều em nhỏ được bố mẹ đưa đi viếng miếu Hòn Bà trong ngày rằm tháng Giêng cũng đeo khẩu trang để phòng dịch.
Hình ảnh nhiều em nhỏ hứng thú khi được theo gia đình đi viếng miếu Hòn Bà vào dịp rằm tháng Giêng.
Chị Hương (ngụ tại TP Vũng Tàu) cho biết: "Mỗi năm vào dịp rằm tháng Giêng, tôi lại cùng bạn bè và gia đình đến miếu Hòn Bà viếng để cầu sức khoẻ, bình an. Năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên tất cả người dân chúng tôi đều bắt buộc phải đeo khẩu trang để phòng dịch".
Sau khi làm lễ xong, những chú chim sẽ được phóng sinh, cầu mong một năm mới gia chủ gặp nhiều may mắn, sức khỏe.
Tương truyền, năm 1781, một hương chức thôn hội làng Thắng Tam đã dựng nên miếu Bà trên Hòn Bà để thờ cúng bà Thủy Long thần nữ với mong muốn bà phù hộ cho những người làm nghề đánh cá trên biển. Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, miếu Hòn Bà mới có hình dạng như hiện nay với chiều cao nổi trên mặt đất 4m, bên trong là điện thờ các vị thần linh. Còn bên dưới có một tầng hầm dài 6m, rộng 3m. Đây từng là nơi hội họp bí mật của đồng bào chiến sĩ yêu nước thời kỳ kháng chiến.