Cạnh tuyến huyện lộ 363, đi qua địa bàn thôn Quế Lâm, xã Thụy Hương (Kiến Thụy, Hải Phòng), một bãi rác được hình thành ngay cạnh nghĩa trang với đủ các loại rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp độc hại... Rác được tập kết và đốt cháy tạo thành những đám khói đen bủa vây khu vực nghĩa trang nhân dân và khu dân cư. (Ảnh: Minh Khang)
Theo bà Cao Thị Duyên (SN 1973, nhân viên vệ sinh môi trường xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy), cách đây 4 tháng, các xã trong huyện ký hợp đồng đốt rác với một lò đốt rác trên địa bàn xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy). Tuy nhiên chỉ sau vài tháng, do lượng rác quá tải nên chủ lò không thể ký hợp đồng tiếp với các địa phương nên rác thải lại được tập kết tại một số điểm của các xã, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà chưa biết đến bao giờ mới xử lý được. (Ảnh: Minh Khang)
Đặc biệt, các điểm tập kết rác thường là gần nghĩa địa và cánh đồng lúa nên mỗi khi đốt rác, những ruộng lúa liền kế lại bị cháy lá, giảm năng suất, mùi hôi thối, khét lẹt bay vào khu dân cư, khiến người dân bức xúc. (Ảnh: Minh Khang)
Do không có biện pháp xử lý khoa học nên sau khi rác chất đống lại được đốt cháy để nhường chỗ cho lượng rác mới. (Ảnh: Minh Khang)
Những bãi rác nằm cạnh tuyến đường chính của huyện khiến người đi đường gặp khó khăn khi tham gia giao thông vì phải hứng chịu mùi khét và khói đen. (Ảnh: Minh Khang)
Video: Người chết "sống chung" với rác thải ở ngoại thành Hải Phòng (Minh Khang)
Cách bãi rác xã Thụy Hương không xa là bãi rác của xã Đại Hà (huyện Kiến Thụy). Những hình ảnh người chết "sống chung" với bãi rác thải như thế này khiến người dân không khỏi bức xúc. (Ảnh: Minh Khang)
Ông Vũ Văn Phúc - Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết: "Bãi rác hình thành ngay cạnh nghĩa địa nói trên thuộc địa bàn xã Đại Hà, giáp ranh với xã Tân Trào. Chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị huyện có biện pháp can thiệp xóa bỏ bãi rác này đi, tuy nhiên đến nay nó vẫn chình ình ngay cạnh hàng trăm ngôi mộ, khiến người dân bức xúc. Khi bị nhắc nhở, người ta bảo không còn chỗ nào đổ thì mang ra đó đổ thôi". (Ảnh: Minh Khang)
Mương máng dẫn nước phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp giờ thành nơi chứa rác thải. (Ảnh: Minh Khang)
Trước kia, ven tuyến đường 363 này, người ta tập kết rác thải, sau đó lấy đất lấp đi và cắm biển "Mô hình thí điểm xử lý rác thải rắn nông thôn". (Ảnh: Minh Khang)
Tuy nhiên, cạnh đó không xa lại có biển "Khu vực cấm đổ rác" nhưng rác vẫn được đổ tại đây. (Ảnh: Minh Khang)
Tại khu vực đê Ngự Hàm, thôn Xuân Trại 2, xã Nam Hưng (Tiên Lãng, Hải Phòng), chỉ cách khu dân cư 300-400 m, một bãi rác khổng lồ tồn tại nhiều năm qua được tập kết, chôn lấp bằng phương pháp thủ công. (Ảnh: Minh Khang)
Trước khi chôn lấp, rác được tập kết tại đây, mùi xú uế từ nước rỉ rác, mùi hôi thối nồng nặc bay vào khu dân cư. Ông Nguyễn Quang Tuyên - Chủ tịch UBND xã Nam Hưng cho biết, hàng tháng, hàng quý, sau khi rác tập kết, được xử lý thủ công bằng vôi bột, hóa chất khử mùi, rồi sau đó được vùi lấp lại. Bãi rác này đã tồn tại khoảng 5 năm nay. Đây cũng là tình trạng chung của các xã ngoại thành khi chưa có một lò đốt rác xử lý rác thải tập trung cho các địa phương. (Ảnh: Minh Khang)
Những tấm kính vỡ cũng được chôn vùi cùng rác. (Ảnh: Minh Khang)
Hàng ngàn m3 rác bốc mùi hôi thối ngày ngày "bủa vây" khu dân cư chưa biết đến bao giờ mới được xử lý. (Ảnh: Minh Khang)