Video: Ngôi nhà đầu tiên ở Hà Nội đón Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945
Căn nhà của cụ Nguyễn Thị An nằm trong con ngõ 319 phố An Dương Vương (quận Tây Hồ, TP Hà Nội), là nơi đầu tiên tại Thủ đô đón Bác Hồ trở về từ chiến khu Việt Bắc, chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2/9/1945. Đã 77 năm trôi qua, những kỷ vật vô giá và câu chuyện xúc động về Bác Hồ vẫn được các thế hệ nơi đây trân trọng, gìn giữ.
Với 14 hiện vật cùng hàng chục tài liệu, hình ảnh liên quan sự kiện Bác Hồ lưu trú tại đây, ngôi nhà được công nhận là Nhà lưu niệm Bác Hồ và mở cửa đón khách tham quan từ năm 1996.
Ngày 3/12/2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có quyết định trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Thị An.
Ngôi nhà được xây dựng năm 1931, với 5 gian bằng gạch, lợp ngói. Phía trước nhà có bốn chữ Hán Minh nguyệt thanh phong (trăng thanh gió mát). Hai bên có hai dòng chữ nhỏ Bảo Đại tứ niên (Tôn tạo đông thành). Nhà được xây năm thứ tư thời vua Bảo Đại, khánh thành vào mùa đông.
Căn nhà hiện có hai phòng hơn 10m2, trưng bày nhiều hình ảnh về Bác Hồ và cán bộ cách mạng qua các thời kỳ, cùng kỷ niệm của gia đình trong những năm tháng lịch sử.
Kỷ vật nhà cụ An tập trung chủ yếu tại ba gian giữa của nhà trưng bày. Gian chính giữa trên cùng là ảnh Bác Hồ, hai bên để cờ Đảng, Tổ quốc, bên dưới là tủ chè, trên tủ chè bài trí một số di vật như bát hương, lọ hoa, lục bình… Tất cả kỷ vật đều được cháu nội cụ An - ông Công Ngọc Dũng - trông nom và gìn giữ.
Ông Công Ngọc Dũng (người trông coi ngôi nhà hơn 30 năm nay) chia sẻ, ông vẫn nhớ rõ những câu chuyện bố mình kể lại. Năm 1945, đoàn công tác hơn 10 người từ chiến khu Việt Bắc trở về, dừng chân ở ngôi nhà này. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ngồi làm việc tại bộ tràng kỷ, tối Người ngủ ở sập.
"Những ngày ở và làm việc tại nhà này, Bác gầy yếu, không ăn được cơm mà phải ăn cháo. Khi đó, cụ Nguyễn Thị An là người trực tiếp nấu cháo cho Bác và nấu cơm cho đoàn cán bộ", ông Dũng kể.
“Bác thường làm việc rất khuya. Bố tôi đi gác đêm về vẫn thấy Bác ngồi trên chiếc tràng kỷ làm việc. Sớm hôm sau, cả nhà thấy Bác dậy sớm ra bờ ao tập thể dục. Mặc dù công việc rất bận rộn, trong ba ngày đó, Bác vẫn dành thời gian để dạy chị gái tôi hát, tập đếm và rèn luyện sức khỏe”, ông Dũng nói.
Chiếc vali mây của Bác Hồ mang về từ Chiến khu Việt Bắc.
Máy đánh chữ của Bác Hồ mang từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội và chậu nước rửa mặt bằng đồng Người hay dùng khi nghỉ lại ngôi nhà, được trưng bày tại hành lang.
Khu vực trưng bày sách, báo về Bác Hồ được đặt trước cửa phòng.
Bể nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng từ năm 1945 nay vẫn còn nguyên vẹn.
Ông Dũng cho hay: "Không chỉ có thế hệ trước mà các con, cháu trong gia đình chúng tôi hiện nay vẫn luôn nêu cao trách nhiệm trông coi, gìn giữ ngôi nhà. Gia đình vẫn duy trì nếp sinh hoạt thường niên, chọn ngày 23/8 hằng năm để đoàn tụ. Bố mẹ kể cho con, ông bà kể cho cháu về những kỷ niệm trong ngôi nhà vinh dự có 3 ngày được Bác Hồ lưu trú năm 1945".
Theo ông Dũng, chiếc sập gỗ đặt ở chính diện ngôi nhà đã có hơn trăm năm. Do thời gian, chiếc sập gỗ này đã bị hư hỏng.
"Đây không chỉ là niềm vui và tự hào của gia đình chúng tôi mà còn là niềm tự hào của nhiều người dân địa phương. Việc công nhận di tích cấp quốc gia đối với nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đúng giá trị, ý nghĩa lịch sử của ngôi nhà", ông Dũng chia sẻ.