Những năm trước, khi nhắc tới làng Kiều Trung (xã Hồng Thái, huyện An Dương, TP Hải Phòng) người ta nhắc nhiều tới "cái nôi" của loài hoa sứ. Cả làng có 361 hộ dân thì có tới 300 hộ dân trồng hoa sứ thành hàng hoá, còn lại là trồng cho vui cửa, vui nhà.
Ông Nguyễn Văn Thấn - người làng Kiều Trung cho hay, khi làng hoa Kiều Trung chưa phải làng nghề, theo thị hiếu người tiêu dùng, dân làng trồng quất, đào, la hán, cau tiến vua... sau đó tới hoa trà my, hoa sứ rồi cây xanh, lộc vừng, vú sữa, hồng xiêm... Trong đó, hoa sứ là thương hiệu cây truyền thống làng.
Nhưng giờ đây, số hộ trồng hoa sứ để bán ở làng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Bởi lẽ, giá cây rẻ, không đáp ứng được ngày công. Ông Thấn cũng chỉ giữ lại khoảng 20 cây sứ để khi giá quay lại thời hoàng kim sẽ bán.
Theo quan niệm phong thủy, cây sứ mang đến nhiều hồng phúc cho gia chủ, giúp công việc thêm phát đạt, cuộc sống vui vẻ. Vào ngày Tết, nhiều người Việt Nam hay đầu tư vài chậu sứ chưng trong nhà để mang rực rỡ ấm áp đến với gia đình và cầu mong năm mới đầy may mắn.
Cây sứ càng nở rộ nhiều hoa càng giúp người trồng thêm sung túc, thịnh vượng.
Bên cạnh đó, cây hoa Sứ có thể uốn rễ, cành tạo hình thành cây Bonsai, là “cực phẩm” của những bàn tay khéo léo.
Khi nhiều hộ gia đình khác ở làng hoa Kiều Trung chọn cách "đóng khung" hoa sứ thì vườn nhà ông Nguyễn Văn Toán (63 tuổi) vẫn có hơn 100 gốc sứ bên cạnh hoa hồng, trà my. Trong đó có gần 10 gốc khoảng 30 năm tuổi, nhiều gốc hơn 10 năm tuổi.
Nếu như trước đây giá những gốc cây này khoảng 250 triệu đồng, thậm chí có cây 400-500 triệu đồng thì hiện tại, những cây 30 năm chỉ còn dao động từ 100-200 triệu đồng.
Những gốc sứ xù xì, bằng cả 2 người vòng tay người ôm rất được lòng người chơi cây. Vì gốc sứ càng lâu năm càng thể hiện được sự vững chãi, bề thế.
Thậm chí có những gốc sứ như những con rắn khổng lồ quện vào nhau.
Ông Toán cho biết, sứ là loại cây dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc và cho hoa tươi lâu. Trước đây vườn nhà ông trồng khoảng 600 cây sứ, trồng cây nào là khách đặt mua cây đó.
Nhưng theo cơ chế thị trường, sứ mất giá, có những hộ vừa vào cuộc phải chuyển hướng sang trồng cây khác.
Tùy từng dáng sứ và tuổi đời để định giá, tuy nhiên, ông Toán cho biết, cây sứ như trong ảnh được cho là "hàng hiếm", được khách hàng ưa chuộng và có giá hơn 200 triệu đồng.