Ít nhất 748 trường hợp thiệt mạng trong đợt nắng nóng kinh hoàng ở Tây Ban Nha, trong khi ở Bồ Đào Nha có 238 người chết chỉ trong vòng 1 tuần. Chỉ tính riêng trong ngày 15/7, nhiệt độ một số khu vực của Tây Ban Nha tăng lên 45 độ C. Nhiệt độ dự kiến sẽ hạ xuống trong tuần này song giới chức Tây Ban Nha cảnh báo mức nhiệt vẫn có thể trở nên “cao bất thường” và ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người. (Ảnh: AP)
Giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, nắng nóng làm gây ra các trận cháy rừng dữ dội ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tại Tây Ban Nha, hơn 600 thành viên đơn vị khẩn cấp quân đội nước này đã được huy động hỗ trợ lính cứu hỏa đối phó hàng chục đám cháy trên cả nước. Hơn 14.000 ha rừng tại Tây Ban Nha đã bị thiêu rụi. Tại quốc gia láng giềng Bồ Đào Nha, các đám cháy rừng cũng được mô tả là đang bùng phát ở quy mô chưa từng có. (Ảnh: AP)
Hy Lạp đang đối phó đám cháy trên đảo Crete ở Địa Trung Hải, trong khi Ma Rốc cũng đối phó cháy rừng tại vùng núi phía bắc khiến hơn 1.000 gia đình phải sơ tán.
Cuối tuần trước, Văn phòng Khí tượng Anh lần đầu tiên ban hành “cảnh báo đỏ” do tình trạng nắng nóng được dự báo có thể vượt ngưỡng 41 độ C, mức cao nhất mà quốc gia này từng ghi nhận. Cảnh báo đỏ của Văn phòng Khí tượng Anh được coi là tình trạng khẩn cấp quốc gia, được kích hoạt khi một đợt sóng nhiệt "nghiêm trọng và kéo dài có thể khiến cả những người khỏe mạnh tử vong".
Pháp cũng đang trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm. Ngày 18/7, nhiệt độ ở nhiều khu vực được ghi nhận vượt quá 40 độ. Cùng ngày, ít nhất 15 tỉnh của Pháp phát cảnh báo mức cao nhất. Các đám cháy rừng ở miền Tây Nam nước này tiếp tục lan rộng, thiêu cháy hơn 17.000 ha rừng và buộc 32.000 người phải đi sơ tán khẩn cấp.
Các nước vùng Balkan dự kiến sẽ phải đối mặt với đợt nắng nóng tồi tệ nhất vào cuối tuần này. Nhưng vài tuần qua, nhiều nước đã ghi nhận các đám cháy rừng lẻ tẻ. Hôm 18/7, chính quyền Slovenia cho biết các nhân viên cứu hỏa đã kiểm soát được một đám cháy. Tuần trước, Croatia phải vật lộn với các đám cháy rừng dọc Biển Adriatic.
Ngoài các yếu tố như hệ thống áp suất cận nhiệt đới lan về phía Bắc, gió thổi khí nóng từ sa mạc Sahara và Bắc Phi lên, giới khoa học và các chính khách châu Âu đổ lỗi cho tình trạng nắng nóng hiện nay là do biến đổi khí hậu.